(HNMO) - Sáng nay, 10-10, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với UBND TP Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ tổ chức lễ thông xe tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình và cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang).
Dự án BOT đường nối Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình là một hợp phần cùng với dự án nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai (Hà Nội) - Hoà Bình, do Công ty BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình làm chủ đầu tư (liên danh Tổng Công ty 36 - Hanco - Trường Lộc).
Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình mới dài 25,6km, theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, với tổng mức đầu tư hơn 2.723 tỷ đồng. Nhà đầu tư thu hồi vốn bằng việc thu phí qua trạm đặt tại địa phận Hòa Bình, với thời gian thu phí là hơn 27,6 năm.
Thời gian thu phí chính thức dự kiến từ ngày 1-11, với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con và cao nhất là 180.000 đồng/xe tải. Với tuyến đường mới, thời gian đi lại giữa Hà Nội - Hoà Bình chỉ còn khoảng 1h30 phút, thay vì hơn 2 tiếng đi theo quốc lộ 6.
Phát biểu tại lễ thông xe tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng biểu dương các huyện của thành phố nơi dự án đi qua thực hiện tốt công tác bàn giao mặt bằng và sự nỗ lực thi công của nhà đầu tư, nhà thầu để công trình sớm hoàn thành và đưa vào khai thác.
Phó Chủ tịch yêu cầu Sở GT-VT Hà Nội và các huyện có phương án tổ chức giao thông, bảo vệ an ninh tuyên truyền người dân chấp hành quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cho rằng thành phố cần có thêm nhiều tuyến đường kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định, giao thông đi trước mở đường, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Thủ đô Hà Nội từ ngày hôm nay có tuyến đường kết nối với Tây Bắc, nhà đầu tư đến Hòa Bình hay Hà Nội để có thêm các khu công nghiệp, tạo không gian mới cho Hòa Bình thu hút kêu gọi nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân; bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bộ GT-VT đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ và các tỉnh thành nơi có dự án đi qua hoàn chỉnh toàn bộ dự án theo đúng hồ sơ thiết kế để đưa vào vận hành; thành phố Hà Nội và Hòa Bình bảo vệ hành lang mốc lộ giới, công trình trong phạm vi theo đúng quy hoạch để sau này xây dựng đường cao tốc nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Trong quá trình vận hành, nhà đầu tư cần quan tâm sửa chữa tất cả các biển báo đảm bảo an toàn giao thông.
* Trong sáng 10-10, Dự án BOT cầu Văn Lang (cầu Việt Trì - Ba Vì) nối quốc lộ 32 và 32C cũng chính thức được đưa vào khai thác. Cầu Văn Lang do Công ty BOT Phú Hà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án hơn 9,4 km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1,5km, còn lại là phần đường dẫn kết nối với các tuyến quốc lộ 32 và 32C.
Với cầu Văn Lang, phương tiện từ Việt Trì (Phú Thọ) đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 30km so với các tuyến đường hiện nay. Cùng đó, người dân Việt Trì (Phú Thọ) và Ba Vì (Hà Nội) qua lại sẽ không còn phải sang đò, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Theo hợp đồng, thời gian thu phí qua cầu Văn Lang là 19 năm 10 tháng, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con, cao nhất 185.000 đồng/xe tải, dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 12 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.