Ngày 29-11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm Trưởng Bộ phận Thường trực. (Ảnh: moit.gov.vn) |
Năm 1999 Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và năm 2010 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội ban hành đã tạo hành lang pháp lý và thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi cho hơn 95 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Qua hơn 7 năm thực hiện kể từ khi Luật có hiệu lực, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta đã đạt được nhiều thành quả, giúp giảm đáng kể thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng.
Trước yêu cầu mới, theo đề nghị của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, sự nhất trí của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 31-10-2018, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định cho phép thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở tách ra từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Tại Đại hội, Ban Chấp hành khóa 1 của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 được thông qua gồm 78 Ủy viên. Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm Trưởng Bộ phận Thường trực.
Hội bao gồm 61 các hội địa phương và tổ chức là thành viên trải dài ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, với tôn chỉ hoạt động của Hội là một tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong vai trò tổ chức, Hội sẽ vận động hội viên và người tiêu dùng tích cực tham gia cùng với các cơ quan chức năng nhà nước và các thành phần khác trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, Hội sẽ luôn coi việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là phương châm hành động của mình, phấn đấu để trở thành địa chỉ gần gũi, đáng tin cậy của người tiêu dùng.
Hội cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp chân chính để đấu tranh với các hành vi kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời cũng là bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp.
"Thực hiện chủ trương hội nhập và đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, Hội sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và góp phần vào phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới,” ông Hùng nói./.
Tên gọi bằng tiếng Việt: Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Tên tiếng Anh: Vietnam Consumers Protection Association Tên giao dịch viết tắt: VICOPRO Trụ sở chính: Số nhà 214, ngõ 22 phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.