Trong hồi ký của mình, nhà báo Lý Quý Chung, nguyên Bộ trưởng Thông tin-Tuyên truyền trong Nội các Dương Văn Minh - chính phủ Ngụy quyền Sài Gòn, cho rằng, quyết định đầu hàng của Dương Văn Minh mang tính sứ mạng lịch sử. Nhà báo Mạnh Hùng đã có bài viết nói rõ sự thật lịch sử chung quanh sự kiện này
Trong hồi ký của mình, nhà báo Lý Quý Chung, nguyên Bộ trưởng Thông tin-Tuyên truyền trong Nội các Dương Văn Minh - chính phủ Ngụy quyền Sài Gòn, cho rằng, quyết định đầu hàng của Dương Văn Minh mang tính sứ mạng lịch sử. Nhà báo Mạnh Hùng đã có bài viết nói rõ sự thật lịch sử chung quanh sự kiện này
Ông Lý Quý Chung đánh giá việc ông Dương Văn Minh tuyên bố quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam vào thời điểm các cánh quân giải phóng đã tiến vào thành phố Sài Gòn như sau: "Quyết định làm người cầm cờ đầu hàng cũng là một sứ mạng lịch sử", "có ý nghĩa lịch sử rất lớn" và nữa: "Chắc chắn rồi đây việc nhìn nhận lịch sử sẽ đặt đúng tầm ý nghĩa lịch sử của bản tuyên bố này khi đề cập đến sự kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước".
Chúng tôi, những nhà báo có mặt trong cuộc tiến công của quân đội ta từ hướng đông - bắc Sài Gòn và có mặt tại Dinh Độc Lập trưa và chiều 30-4-1975 thấy cần phải nói rõ thêm về cuộc chiến đấu ác liệt này để hiểu đúng về sự ngoan cố của quân Ngụy cũng như mức độ tác động của "tuyên bố bàn giao chính quyền" của ông Dương Văn Minh đối với họ ra sao. Thêm nữa, dù chính quyền và nhân dân ta đã ghi nhận đóng góp của ông Dương Văn Minh và Nội các của ông trong thời điểm kết thúc chiến tranh, chúng tôi cũng xin phép có đôi điều chung quanh việc này.
Ngày 27, 28, 29-4-1975, nhóm nhà báo chúng tôi gồm phóng viên báo Quân đội nhân dân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên báo Quân đoàn 2 đã có mặt tại khu vực Đồn điền cao su Ông Quế và căn cứ Nước Trong sau khi Quân đoàn 2 tiến công chiếm lĩnh khu vực này. Trong các ngày và đêm 28, 29-4, khi chứng kiến các cỗ pháo 122mm và các giàn hỏa tiễn đặt tại đây bắn về phía Sài Gòn, chúng tôi đã hỏi và được các đồng chí chỉ huy cho biết mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất, không bắn vào các khu dân cư. Trong ngày 29-4, khi chứng kiến các loại máy bay chở người Mỹ, người Việt di tản từ Sài Gòn về phía biển, chúng tôi đã hỏi và được các đồng chí chỉ huy của một đơn vị pháo phòng không của sư đoàn 367 trả lời: Đơn vị được lệnh không bắn vào những máy bay đó, cả những chiếc máy bay F16 của Mỹ yểm trợ cho cuộc di tản này. Cũng tại đây, không chỉ tàn quân Ngụy bắn tỉa vào phía chúng tôi mà có cả một số vợ con quân Ngụy cũng ném lựu đạn vào chiến sĩ sư đoàn 304, 325. Dẫu vậy, các đơn vị không tiến công vào khu vực dân cư.
Mờ sáng ngày 30-4, chúng tôi lên các xe trong đội hình chiến đấu hành tiến của trung đoàn 66, sư đoàn 304 tiến về hướng Sài Gòn. Các đơn vị xe tăng của lữ đoàn 203 dẫn đầu đội hình. Đơn vị xe tăng ta đã dũng mãnh vượt qua sự chống trả của quân Ngụy ở khu vực cầu Biên Hòa cùng hệ thống vật cản là những ụ cát, cọc và ghi sắt dựng dày đặc trên cầu. Chúng tôi phải dừng lại khá lâu ở phía bắc cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Sài Gòn- Biên Hòa). Cuộc chiến đấu ở khu vực này đã diễn ra rất quyết liệt và chưa kết thúc. Khoảng gần 10 giờ, khi quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn khu vực này và đang tiến công xe tăng địch tại cầu Tân Cảng thì chúng tôi được một cán bộ chỉ huy thuộc trung đoàn 66 bộ binh thông báo Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố lệnh cho quân Ngụy ngừng chiến đấu. Có mặt tại cầu Rạch Chiếc, trước mắt chúng tôi là những chiến sĩ ta và lính Ngụy bị thương nằm ngay bên cầu, máu loang đỏ mặt cầu. Chiến sĩ ta vừa nhanh chóng cấp cứu vừa truy bắt những tên còn lẩn trốn dưới gầm cầu, trong những bãi cây cỏ lấp xấp nước. Hỏi chuyện nhanh, chúng tôi được biết đây là những chiến sĩ đặc công, biệt động đã chiến đấu và giữ cầu hai ngày nay, địch liên tục phản kích, nhiều chiến sĩ ta bị thương và hy sinh.
Như vậy chính là các đơn vị tại chỗ cùng đại quân ta với xe tăng dẫn đầu đã tiêu diệt, bắt sống hoàn toàn quân địch tại đây chứ không phải chúng nghe lệnh qua đài của Dương Văn Minh mà buông súng đầu hàng. Tại cầu Tân Cảng, sự chống trả của quân Ngụy rất xảo quyệt. Xe tăng, pháo của chúng bố trí bên này cầu, đúng lúc xe tăng ta vượt dốc cầu cong, nòng pháo súng chĩa lên trời, là chúng nổ súng. Những chiếc xe tăng đầu tiên của lữ đoàn 203, trong đó có xe 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận dũng mãnh vượt qua khu vực này rồi tiến công tiêu diệt xe tăng M41, xe bọc thép của quân Ngụy trên cầu Thị Nghè. Khi chúng tôi cùng các xe ô tô chở bộ binh của trung đoàn 66 đến cầu Thị Nghè, đạn trong chiếc xe bọc thép của địch vẫn nổ, mảnh sắt thép, khói lửa bùng lên giữa mặt cầu từng chập, từng chập. Tôi phải rời khỏi xe bộ đội, đi cùng xe nhỏ com-măng-ca của các phóng viên Thông tấn quân sự và Thông tấn xã Việt Nam, lợi dụng giữa lúc đạn tạm dừng nổ, lách qua phần cầu còn lại tiến về phía Dinh Độc Lập.
Khi các nhà báo chúng tôi vào sân Dinh, lá cờ chiến thắng của quân ta do anh Bùi Quang Thận đã cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Chúng tôi đang chụp ảnh xe tăng ta đang còn quay súng về phía Dinh Độc Lập và đi tìm gặp Bùi Quang Thận thì nhiều loạt đạn từ phía một số ngôi nhà cao tầng ven đường Thống Nhất, trước cửa Dinh bắn xối xả về phía chúng tôi. Xe tăng ta được lệnh quay nòng, nổ súng thị uy, những tiếng súng kia mới im bặt. Đó đã là lúc ngả về chiều...
Kể lại bối cảnh ngày 28, 29-4 và sáng, trưa, chiều ngày 30-4 như vậy, chúng tôi khẳng định các đơn vị quân đội ta không được giao nhiệm vụ và thực tế không hề nổ súng vào các khu dân cư, các công trình, tòa nhà dân sự. Về phía quân Ngụy, sau khi các vành đai phòng thủ bên ngoài ở phía bắc và đông-bắc như Nước Trong, Long Thành, Xuân Lộc bị tiêu diệt, các đơn vị, bộ phận còn lại của địch trên hướng tiến công của quân đội ta mà chúng tôi được đi cùng tuy lực lượng không nhiều, không mạnh nhưng đã ngoan cố chống trả và chống trả quyết liệt. Thực tế lệnh "bàn giao chính quyền" của "Tổng thống" và "nhật lệnh" hạ vũ khí của "Tổng tham mưu trưởng" dường như không có hiệu lực đối với họ.
Cũng cần nói thêm điều này, khi các nhà báo chúng tôi có mặt ở Sài Gòn, chúng tôi đã thấy các công sở và một số cửa hàng, khách sạn trên các trục đường Hồng Thập Tự, Thống Nhất, Tự Do... đã bị cướp phá. Buổi tối, khi chọn ngủ lại tại trụ sở Bộ Nội vụ Ngụy quyền cạnh Nhà thờ Đức Bà, chúng tôi đã thấy tất cả các phòng, các tủ hồ sơ đều đã bị xới tung. Mệnh lệnh của "Tổng thống" không ngăn chặn được sự cướp phá của tàn quân Ngụy cùng những kẻ thừa cơ kiếm chác.
Trong suy nghĩ và tình cảm của chúng tôi, lúc ấy, việc ông Dương Văn Minh ra bản tuyên bố sẵn sàng bàn giao chính quyền là cách nói đã không được phía ta chấp nhận. Thực tế, đó là thời điểm sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn trước sức tấn công như vũ bão của quân và dân ta. Đó là lúc Dương Văn Minh buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên giây phút lịch sử ấy cũng ghi nhận không phải là thái độ chống đối điên cuồng mà đã thể hiện sự thức thời và tấm lòng của ông cùng một số thành viên Nội các, trong đó có nhà báo-cựu Bộ trưởng Thông tin-Tuyên truyền Lý Quý Chung trước nguy cơ có thể của một cuộc chiến kéo dài hơn, thêm xương máu và đổ nát. Điều này đã được Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh cũng cho thấy quá trình đi đến những tuyên bố của ông Dương Văn Minh không hề đơn giản. Kể từ khi Nguyễn Văn Thiệu rời bỏ chiếc ghế tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, trốn chạy khỏi đất nước, Nội các Dương Văn Minh đã tìm nhiều cách, vận động nhiều hướng, nhiều phía để tìm kiếm sự ủng hộ. Ngay cả khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 của quân và dân ta đã bước vào giai đoạn cuối cùng- Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam đã hoàn toàn nằm trong tay ta, Nội các Dương Văn Minh vẫn còn ấp ủ hy vọng được tồn tại và được công nhận như một chính phủ hoặc một thành phần trong một "chính phủ liên hiệp" của cách mạng mà họ tự nghĩ ra.
Ở thời điểm năm cánh đại quân ta đã phá tan mọi tuyến phòng thủ quanh Sài Gòn, vào đến cửa ngõ thành phố mà ông Dương Văn Minh vẫn còn tính đến chuyện bàn giao là đã quá muộn và ảo tưởng. Ông Lý Quý Chung có phân tích rằng "vào lúc đó tuyên bố mà tổng thống Minh có thể đưa ra được chỉ là một cuộc trao quyền tự nguyện và tự ngừng bắn, chứ không thể là cuộc đầu hàng chính thức đơn phương vì nhiều đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa vẫn còn đó, có khả năng sẽ phản ứng điên cuồng". Đây là điều có thể trong suy nghĩ của ông Minh, ông Chung, nhưng thực tế là trong khu vực thành phố Sài Gòn không còn các đơn vị quân Ngụy nào đáng kể, có chăng chỉ là những tốp quân tàn, các đơn vị ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hoàn toàn tan rã, không thể tổ chức được lực lượng để chống lại sức mạnh như vũ bão của quân đội ta.
Ông Lý Quý Chung đã chứng kiến và ghi lại trong phần hồi ký trên lời của một đồng chí chỉ huy nói với ông Dương Văn Minh: "Anh hãy viết ngay một bản tuyên bố đầu hàng!", vậy mà lúc này ông Dương Văn Minh, theo phần viết của ông Lý Quý Chung vẫn trả lời rằng "sáng nay ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi". Để rồi "Viên chỉ huy tỏ ý giận dữ và lớn tiếng: "Anh chẳng có gì để trao. Anh phải tuyên bố đầu hàng!".
Đó là sự thật lịch sử. Ông Dương Văn Minh, Tổng thống của một chính phủ không quyền lực và ngay cái chính phủ ấy, giờ phút lịch sử này đã chấm dứt hoàn toàn. Đó là giờ phút ông Dương Văn Minh dù có chút "tự nguyện", thức tỉnh đã buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sứ mạng lịch sử "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", buộc Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh phải đầu hàng của quân đội cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã hoàn thành.
Viết đến những dòng này, trong tâm trí của chúng tôi lại hiện lên những hình ảnh nhân dân Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh nô nức đón chào quân đội ta. Xúc động biết bao khi thấy tiếng hò reo vang động trên khắp khu vực Dinh Độc Lập trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975 khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố đọc diễn văn: "Toàn quân và dân Việt Nam là người chiến thắng. Chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ thất bại". Tôi đã nghĩ ông Minh đã có trong số Người Việt Nam chiến thắng. Quyết định đầu hàng của ông đã góp phần đáng ghi nhận vào sứ mạng lịch sử của quân đội ta, nhân dân ta, giúp ông trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do".
QĐND
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.