(HNMO) – Chính sách “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama sau 5 năm đã mở rộng được ảnh hưởng chính trị và quân sự của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, việc Trung Quốc gần đây liên tục có những hành động trái phép gây căng thẳng biển Đông đang đặt ra dấu hỏi về hiệu quả thực sự mà chiến lược này mang lại.
Barack Obama sau 5 năm đã mở rộng được ảnh hưởng chính trị và quân sự của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, việc Trung Quốc gần đây liên tục có những hành động trái phép gây căng thẳng biển Đông đang đặt ra dấu hỏi về hiệu quả thực sự mà chiến lược này mang lại.
Tổng thống Obama công bố chính sách "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm 2011. |
Từ cuối năm 2011, Mỹ đã thực hiện "chính sách xoay trục" sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã viết rằng nước Mỹ "chuyển hướng một cách chiến lược sang khu vực này nhằm đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ". Và Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào tháng 11/2011, đã "ghi dấu ấn" cá nhân lên chính sách này.
Bước đi rõ ràng, kết quả mờ nhạt
5 năm qua, Mỹ đã có những động thái rõ ràng nhằm triển khai chính sách tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương. Đối với khu vực Đông Bắc Á, Mỹ không ngần ngại thể hiện cam kết vững chắc đối với các đồng minh, đơn cử tuyên bố của ông Obama tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Tại Đông Nam Á, Tổng thống Obama đã tham gia đầy đủ hơn tại khu vực và đích thân tới dự các diễn đàn thường niên như hội nghị thượng đỉnh An ninh Đông Á. Những năm gần đây Mỹ đã điều động thêm binh sỹ và khí tài quân sự tới khu vực, đồng thời củng cố các liên minh an ninh với các quốc gia thành viên ASEAN. Tòa án Tối cao Philiippines mới đây cũng phê chuẩn hiệp ước an ninh song phương, cho phép binh sỹ và vũ khí Mỹ được đồn trú và luân chuyển tại 5 sân bay quân sự và 2 căn cứ hải quân. Washington cũng đang hỗ trợ hàng hải cho nhiều quốc gia ASEAN khác.
Mỹ đã có những động thái thể hiện cam kết và trách nhiệm đối với đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản. |
Mặc dù vậy, những kết quả của chính sách này lại được cho là không nhất quán. Rõ ràng, "chính sách xoay trục" của nước Mỹ đạt kết quả tốt hơn ở Đông Bắc Á - nơi Nhật Bản và Hàn Quốc không còn công khai bày tỏ hoài nghi về những cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ nữa. Cả hai nước vẫn còn lo ngại về mối đe dọa đến từ Triều Tiên cũng như tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động của Mỹ đã giúp Wasington ghi điểm tại khu vực. Và việc nền kinh tế Trung Quốc đột nhiên "loạng choạng" sau 30 năm tăng trưởng ngoạn mục đã làm giảm bớt những nghi ngại về thách thức của Bắc Kinh đối với trật tự của khu vực.
Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, chính sách xoay trục của Mỹ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu như ở Đông Bắc Á, Mỹ hành xử như một đồng minh thì ở Đông Nam Á, Mỹ có cách hành xử thiên về hướng một nhà kiến tạo hòa bình. Sự khác biệt này chủ yếu được thể hiện qua cách tiếp cận của Mỹ đối với những tranh chấp lãnh thổ. Mỹ không đưa ra quan điểm trước những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên vùng Biển Đông, và thường xuyên tạo ấn tượng rằng nước này không ủng hộ cả đồng minh lẫn đối tác của họ ở Đông Nam Á trong các cuộc tranh chấp giữa những nước này với Trung Quốc. Và những tranh chấp này có lẽ sẽ tiếp tục dai dẳng cho dù nền kinh tế Trung Quốc đang bị chao đảo.
Trung Quốc vẫn liên tục lấn lướt Mỹ tại biển Đông
Sự kém hiệu quả của chính sách “xoay trục” thể hiện rõ nhất tại biển Đông với sự bành trướng của Trung Quốc. Những gì mà Trung Quốc thể hiện cho thấy đây một đối thủ chiến lược của Mỹ trên thực tế, có khả năng thách thức uy quyền tối cao của Mỹ trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Suốt từ năm 2013 đến nay, các cơ quan quốc tế liên tục trưng ra nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, song song cùng việc triển khai rầm rộ nhiều hoạt động quân sự trên đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Sau khi xây dựng thêm nhiều đường băng trên đảo Phú Lâm, nước này tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, sau đó là các radar và mới đây nhất là thông tin về việc xuất hiện chiến cơ J-11 ở hòn đảo này, nhà cầm quyền Trung Quốc đang lộ rõ âm mưu thâm hiểm của mình ở khu vực Biển Đông.
Đây là hành động nhằm từng bước khống chế rồi tiến đến độc chiếm Biển Đông, muốn thực hiện được âm mưu đó thì Trung Quốc không thể sử dụng biện pháp dân sự như đưa tàu cá, tàu du lịch ra Biển Đông mà buộc phải quân sự hóa khu vực này.
Giảm tốc 10 tháng cuối
Liên tiếp những hành động trái phép của Trung Quốc nhằm quân sự hóa biển Đông trong hai tháng đầu năm 2016 cho thấy sự quyết tâm của giới chức nước này trong chiến lược bành trướng ở khu vực, có vẻ như chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ dường như không thể ngăn chặn được chiến lược này.
Bên cạnh đó, có nguy cơ Trung Quốc sẽ tận dụng hơn nữa thời gian này để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực bởi 10 tháng còn lại trong nhiệm kỳ cuối cũng là lúc chính sách “xoay trục” của Tổng thống Obama có chiều hướng giảm tốc. Nguyên nhân là bởi: Tổng thống Obama hiện nay đã để lại dấu ấn sau sự kiện bình thường hóa quan hệ với Cuba, vấn đề Iran cũng đã được giải quyết và chỉ cần sắp xếp ổn thỏa vấn đề Syria là ông Obama có thể kết thúc nhiệm kỳ một cách thành công. Điều này có nghĩa là ông không cần quan tâm đặc biệt tới Biển Đông và hoàn toàn có thể để vấn đề này lại cho người kế nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.