Sáng 4-12, hàng loạt trợ lý cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeoul đã đệ đơn từ chức, trong bối cảnh Nhà Xanh đối mặt phức tạp chính trị chưa từng có sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi.
Theo các kênh truyền thông bản địa, người dân bắt đầu tụ tập trên đường phố thủ đô Seoul sáng cùng ngày, yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức sau lệnh thiết quân luật đột ngột. Các tờ báo lớn của Hàn Quốc cũng đăng các bài xã luận chỉ trích lệnh thiết quân luật.
Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (gồm 1,2 triệu thành viên) - liên đoàn lao động lớn nhất Xứ Kim chi - ngày 4-12 cũng kêu gọi "tổng đình công vô thời hạn" cho đến khi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức.
Các lời kêu gọi từ chức cũng đang gia tăng từ Đảng Dân chủ - đảng đối lập chính và có quyền lực lớn nhất trong quốc hội Hàn Quốc. Đảng này cũng khẳng định, sẽ cố gắng thúc đẩy kế hoạch luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol nếu nhà lãnh đạo này từ chối từ chức.
Theo giới quan sát, kịch bản này có thể xảy ra nếu các đảng đối lập Hàn Quốc - hiện kiểm soát 192 ghế trong Quốc hội - có sự đồng thuận của các nhà lập pháp từ chính đảng của ông Yoon để đạt được đa số 2/3 cần thiết trong cơ quan lập pháp.
Nếu Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu quyết định luận tội đương kim Tổng thống, quyết định này sau đó phải được ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phê chuẩn.
Trước đó, rạng sáng 4-12 theo giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh quyết định dỡ bỏ thiết quân luật của ông Yoon Suk Yeol chỉ vài giờ sau khi áp đặt. "Chúng tôi tiếp tục mong đợi những bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp" - quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Động thái này diễn ra sau khi nội các Hàn Quốc đã phê chuẩn động thái chấm dứt thiết quân luật vào lúc 4h30 sáng 4-12, tức khoảng 6 giờ kể từ khi lệnh thiết quân luật được ban bố.
Hiến pháp Hàn Quốc quy định lệnh thiết quân luật phải được dỡ bỏ ngay nếu được đa số đại biểu Quốc hội yêu cầu. Quốc hội Hàn Quốc hiện có 300 thành viên. Phiên họp toàn thể của Quốc hội Hàn Quốc có sự tham dự của 190 nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền và đảng đối lập. Kết quả 100% nghị sỹ có mặt đã nhất trí tán thành yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật. Văn phòng Chủ tịch Quốc hội tuyên bố thiết quân luật "vô hiệu" sau khi nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật được thông qua.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết các quân nhân được triển khai để thực hiện thiết quân luật đã trở về căn cứ, khôi phục trạng thái bình thường.
Trước diễn biến chính trị phức tạp, thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm khoảng 2% ở thời điểm mở cửa sáng 4-12. Một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Naver và LG, đã khuyến cáo nhân viên làm việc tại nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.