Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội: Hoàn thiện để phù hợp thực tiễn

Vũ Minh| 16/09/2022 06:11

(HNM) - Thực tế triển khai chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội cho thấy, một số quy định của chính sách này chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, chưa đủ sức hấp dẫn, thiếu chế tài xử lý hành vi vi phạm. Để chính sách đi sâu vào đời sống, tạo giá đỡ an sinh vững chắc cho người dân, người lao động, các cơ quan chức năng cần quan tâm gỡ vướng, sớm hoàn thiện các quy định liên quan cho phù hợp thực tiễn.

Nhờ thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, người lao động làm việc tại Tổng công ty May 10 - CTCP được bảo đảm đầy đủ quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Nhật Nam

Vẫn còn bất cập

Báo cáo Đoàn giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại buổi làm việc vào ngày 9-9 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, Hà Nội hiện có 1,985 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 41,7% lực lượng lao động trên địa bàn thành phố, cao hơn mức trung bình của cả nước (34,67%). Người dân, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng được tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ, thụ hưởng quyền lợi, góp phần bảo đảm đời sống cho họ, đồng thời củng cố hệ thống an sinh xã hội ở Thủ đô…

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa phản ánh, việc người sử dụng lao động nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng thiếu bảo hiểm xã hội cho người lao động là hành vi nghiêm cấm trong các quy định pháp luật hiện hành. Dù vậy, chế tài xử phạt đối với hành vi này chưa đủ mạnh, lại chồng chéo, nên các cơ quan chức năng khó xử lý những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm. Đó là nguyên nhân chính khiến một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. “Đến cuối tháng 8-2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội là hơn 5.068 tỷ đồng, chiếm 8,97% tổng số tiền cần thu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng vạn người lao động”, ông Nguyễn Đức Hòa trăn trở. 

Bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng đến nhóm lao động làm những công việc không có hợp đồng lao động được khuyến khích phát triển, song quyền lợi cho người tham gia chính sách này chưa nhiều, mới có chế độ hưu trí và tử tuất, chưa có chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… Điều này lý giải vì sao, số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới đạt 1,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, còn quá ít so với tiềm năng.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội đến đại diện các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh).

Chủ động gỡ vướng

Nhằm tăng tính hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự nghiêm minh pháp luật về bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã, đang chủ động gỡ vướng bằng nhiều giải pháp; trong đó thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội. Riêng 8 tháng năm 2022, qua công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, hàng trăm đơn vị sử dụng lao động đã khắc phục hơn 940 tỷ đồng tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm quyền lợi cho nhiều lao động.

Chị Vũ Thị Lan, chuyên viên Phòng Hành chính - Nhân sự (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Thành Phố Xanh, do Bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm quản lý) chia sẻ, ngay sau khi khắc phục toàn bộ số nợ hơn 2,6 tỷ đồng vào năm 2022, hơn 180 lao động của Công ty được bảo đảm, giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội.

Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, Hà Nội hỗ trợ mức đóng cho người dân tham gia trong thời gian từ ngày 1-8-2022 đến hết năm 2025 cao gấp hai lần so với quy định chung. Đặc biệt, quận Long Biên hỗ trợ 100% mức đóng cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, để chính sách bảo hiểm xã hội tăng hấp dẫn, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ và tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trước những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nhiều nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, quy định mới cần bổ sung các chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thống nhất các hành vi được quy định trong các văn bản xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật với các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự về nội dung này, tạo chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi vi phạm…

Với các đơn vị chủ mất tích, bỏ trốn, giải thể, phá sản, không có khả năng khắc phục nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa mong muốn Chính phủ sớm có quy định riêng về nội dung này, làm căn cứ cho các cơ quan chức năng ở cơ sở khoanh vùng nợ đóng...

Khẳng định những ý kiến, kiến nghị của đại diện các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tiếp thu, chọn lọc các ý kiến phục vụ cho công tác thẩm tra các dự án luật về bảo hiểm xã hội. Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần chủ động tháo gỡ những vướng mắc, linh hoạt các giải pháp đưa chính sách bảo hiểm xã hội vào đời sống, góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội: Hoàn thiện để phù hợp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.