Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao thành tích cao; thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2019.
Ảnh minh họa |
Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công
Nghị định 32/2019/NĐ-CP ban hành ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ 1-6-2019.
Quy định quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ban hành ngày 23-4-2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 17-6-2019.
Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Có hiệu lực từ 25-6-2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ban hành ngày 24-4-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22-1-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).
Nghị định cũng sửa đổi, bố sung quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp bị phạt đến 1 tỷ đồng
Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có hiệu lực từ 10-6-2019, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.
Chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao thành tích cao
Nghị định 36/2019/NĐ-CP ban hành ngày 29-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao có hiệu lực thi hành từ ngày 14-6-2019, trong đó quy định chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.
Quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15-6-2019. Theo đó, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa. Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong trường hợp: Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ
Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý có hiệu lực thi hành từ 1-6-2019.
Quyết định nêu rõ, thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hằng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Người làm thủ tục khai báo hồ sơ biên phòng điện tử và nhận xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền bằng tài khoản đã được cấp tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập internet.
Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Hướng dẫn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công
Thông tư 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 6-6-2019.
Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ
Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ có có hiệu lực thi hành từ 3-6-2019. Theo Thông tư, bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp công khai cho các đối tượng có sự cạnh tranh về giá, trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường.
Việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần theo phương thức dựng sổ phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.