TP Hồ Chí Minh

Chính sách giá đất mới tại TP Hồ Chí Minh: Người dân vùng dự án hưởng lợi, doanh nghiệp sử dụng đất lo lắng

Nhóm phóng viên 13/11/2024 14:58

Tính đến ngày 13-11, Luật Đất đai 2024 đã bước qua 100 ngày đầu có hiệu lực; bảng giá đất mới tại thành phố Hồ Chí Minh qua 15 ngày thực hiện. Những chính sách mới này đã và đang nhận những phản ứng khác nhau từ thực tế áp dụng.

a34.vanhdai2.jpg
Đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh còn 4 đoạn chưa hoàn thành. Đồ hoạ: VLA.

Dự án đầu tiên đền bù tiệm cận giá thị trường

Dẫn chúng tôi khảo sát thực địa sáng 13-11, ông Dương Bá Thông, người dân có nhà trong vùng dự án đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực cầu Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) cho biết: "Tất nhiên là vẫn còn vài băn khoăn về giá đất ở một số hẻm và đất tái định cư, nhưng đa số người dân chúng tôi vui mừng vì giá đền bù khá cao”.

Cụ thể, theo dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 mới được UBND thành phố Thủ Đức đưa ra lấy ý kiến người dân và các bên liên quan, đất ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng là 111,5 triệu đồng/m2 (giá theo bảng giá đất mới ban hành là 89,1 triệu đồng/m2).

a35.vanhdai2.jpg
Một đoạn đường Vành đai 2 qua thành phố Thủ Đức vẫn thi công dang dở sau 17 năm xây dựng. Ảnh: LĐ.

Đất ở mặt tiền đường Kha Vạn Cân có giá 101,5 triệu đồng/m2 (giá theo bảng giá đất mới là 64,8 triệu đồng/m2); mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp là 101,9 triệu đồng/m2 (giá theo bảng giá đất mới là 66,2 triệu đồng/m2)...

Để thực hiện việc khép kín 2 đoạn đường Vành đai 2 (đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng), thành phố Thủ Đức đã xây dựng phương án đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư cho khoảng 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng; diện tích thu hồi khoảng 61,15ha.

a32.vanhdai2.jpg
Đồ họa nút giao đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh với đường Phạm Văn Đồng. Nguồn: Sở GTVT.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, để xây dựng giá đền bù, thành phố đã tham khảo các hợp đồng giao dịch thực tế đất đai tại các khu vực liên quan để xây dựng phương án bồi thường tiệm cận với giá thị trường.

“Mức giá đền bù trong dự thảo là khá cao. Đây là dự án đầu tiên tại thành phố Thủ Đức áp dụng các quy định mới của Luật Đất đai 2024 về xây dựng giá đất tiệm cận giá thị trường, nên người dân, doanh nghiệp trong vùng dự án là người đầu tiên được hưởng lợi. Về phía thành phố, nếu sớm giải phóng được mặt bằng, đường Vành đai 2 sẽ sớm được khép kín, phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, ông Mai Hữu Quyết nhận định.

a36.vanhdai2.png
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khép kín đường Vành đai 2 vào năm 2027. Đồ họa: Sở GTVT.

Đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài 64 km. Sau hơn 17 năm xây dựng, hiện đã có 50 km đưa vào sử dụng, còn 14 km chưa được khép kín, chia thành 4 đoạn. Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực khép kín đường Vành đai 2 vào năm 2027.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất lo lắng

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, sau khi bảng giá đất mới được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, có hiệu lực từ ngày 31-10, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng vì sẽ phải tăng chi phí thuê đất.

a37.datitphcm.jpg
Theo bảng giá đất mới, giá thuê đất tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 35 đến 55% từ nay đến hết năm 2025. Ảnh: PN.

Đơn cử, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm sản Sài Gòn đang thuê 1.235m2 đất tại quận 3 làm nơi giao dịch, tiền thuê hằng năm khoảng 4,2 tỷ đồng. Nay với bảng giá mới, số kinh phí này sẽ lên 6 tỷ đồng, tạo thêm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Còn theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, với bảng giá đất mới, chi phí thuê đất tăng từ 35% đến 54% tuỳ khu vực. “Nếu không có lộ trình tăng giá phù hợp, tôi e ngại nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó vì chi phí tăng, lợi nhuận giảm”, ông Việt chia sẻ.

a38.khucongnghiep-tphcm.jpg
Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn trả tiền thuê đất hằng năm, nay sẽ chịu cảnh giá thuê "tăng sốc". Ảnh: PN.

Trong khi đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết, thành phố vẫn còn 11/17 khu công nghiệp, vẫn đóng tiền thuê đất hằng năm.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang mong chờ thành phố công bố giá thuê đất mới với tỷ lệ tăng phù hợp và thời gian sử dụng lâu dài (chứ không chỉ theo bảng giá đất mới áp dụng hết năm 2025) để doanh nghiệp xây dựng được chiến lược hoạt động dài hơi.

a39.datdai.png
Thành phố Hồ Chí Minh đang tính toán lộ trình tăng giá thuê đất phù hợp để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vừa tăng nguồn lực từ đất đai. Ảnh: PN.

Về những băn khoăn này, ông Đào Quang Dương, Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cơ quan chức năng đã tiếp nhận, lắng nghe các băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp về bảng giá đất mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đánh giá tình hình thực tế về giá đất mới để tham mưu UBND thành phố xem xét, ban hành tỷ lệ và lộ trình tăng giá phù hợp, giúp doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách giá đất mới tại TP Hồ Chí Minh: Người dân vùng dự án hưởng lợi, doanh nghiệp sử dụng đất lo lắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.