(HNM) - Dịch vụ truyền hình trên internet hay còn gọi là truyền hình OTT là xu hướng phát triển của truyền hình trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, để các "nhà đài" trong nước gia tăng nguồn thu, cạnh tranh được với nhà cung cấp xuyên biên giới, cơ quan quản lý trong nước cần áp dụng chính sách quản lý với truyền hình OTT theo hướng cởi mở.
Truyền hình OTT được một số đài truyền hình trong nước, trong đó, tiên phong là Truyền hình Kỹ thuật số VTC với ứng dụng VTC Now trên mạng kể từ năm 2013. Đến năm 2016, truyền hình OTT phát triển “nở rộ” với hàng loạt ứng dụng như MyK+ Now (Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - VSTV), SCTV Vod (Truyền hình cáp Saigon Tourist - SCTV), VTVcab On (Truyền hình Cáp Việt Nam - VTVcab), FPT Play (Truyền hình FPT)…; trong đó có thu phí người dùng, dao động ở mức 20.000-125.000 đồng/tháng tùy theo gói cước.
Để thu hút người dùng và phát triển thuê bao, sau một thời gian ngắn, hầu hết “nhà đài” áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng dùng ứng dụng truyền hình OTT, riêng K+ vẫn áp dụng thu phí OTT ở mức 125.000 đồng/ tháng. Vì vậy, việc miễn phí người dùng cùng với sự gia tăng tỷ lệ dùng thiết bị thông minh đã khiến truyền hình OTT nhanh chóng đạt trên 1 triệu thuê bao.
Nói về sự tiện lợi khi xem truyền hình OTT, chị Hà Trâm (Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm) cho biết, khác cơ bản với truyền hình truyền thống có lịch phát sóng cố định, truyền hình OTT rất tiện lợi vì có thể xem lại các nội dung ưa thích mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị thông minh kết nối internet băng rộng.
Truyền hình OTT chủ yếu miễn phí nên nguồn thu duy nhất là từ quảng cáo. Nhưng, cũng như các loại hình truyền thông khác, “miếng bánh” quảng cáo phần lớn rơi vào Facebook, Google, nên nguồn thu từ truyền hình OTT là rất thấp. Được biết, doanh thu OTT chỉ chiếm chưa đến 1% so với tổng doanh thu (hàng nghìn tỷ đồng/năm) của VTC và VTV, cho thấy dù OTT là xu thế, nhưng với các “nhà đài” vẫn ở dạng tiềm năng.
Tại hội thảo do Hội Truyền thông số và Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội vừa qua, góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/ 2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo), đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất sửa đổi một số quy định về quản lý với truyền hình OTT.
Cụ thể, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đã ví việc xây dựng chính sách quản lý truyền hình OTT cũng tương tự như vấn đề quản lý với taxi công nghệ Uber, Grab. Do vậy, Dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP cần áp dụng quy định pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình này phát triển. Từ đó, sẽ gỡ bỏ nhiều vướng mắc ở khâu thẩm định, cấp phép cung cấp dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện cho các "nhà đài" đầu tư phát triển nội dung, chương trình mới.
Còn ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nêu rõ, cơ quan soạn thảo cần xóa bỏ sự bất bình đẳng bằng cách có chính sách quản lý truyền hình xuyên biên giới, đặc biệt là áp dụng biện pháp chống thất thu thuế với các nhà cung cấp OTT nước ngoài. Đề xuất cụ thể, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Truyền thông Viettel (Tập đoàn Viettel) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh với các vi phạm bản quyền, đặc biệt xử lý nghiêm các trang phim lậu trên thị trường hiện nay.
Trong buổi tiếp lãnh đạo Netflix (nhà cung cấp nền tảng truyền hình xuyên biên giới) khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đây Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam hoạt động kinh doanh phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam. Đồng thời đề nghị Netflix hợp tác với các công ty điện ảnh Việt Nam cùng sản xuất phim, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả Việt Nam và khán giả là thuê bao của Netflix tại thị trường khác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.