Ngày 29/6, trang tin Geopolitical Monitor đã đăng bài viết “Thông điệp từ Biển Đông: Chính sách bảo vệ môi trường của Việt Nam tại các đảo” của tác giả James Borton, giảng viên viện tại Viện Walker, Đại học South Carolina đồng thời là một nhà hoạt động vì đại dương.
Biển đảo Cù Lao Chàm. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Bài viết phân tích về chính sách bảo vệ môi trường của Việt Nam tại các đảo ở Biển Đông. Dưới đây là nội dung bài viết.
Bầu trời trong xanh không một gợn mây, những làn gió nhẹ nhàng thổi qua mặt biển phẳng lặng, yên tĩnh tại cảng biển. Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, một nhà sinh thái biển, cùng với 14 sinh viên Đại học Đà Nẵng đứng ở một bến tàu tại Cù Lao Chàm được quét dọn sạch sẽ, bên cạnh những túi rác tái chế được xếp gọn gàng. Cù Lao Chàm là địa danh cách Hội An, vùng duyên hải miền Trung Việt Nam khoảng 20km.
Từ bến cảng, mọi người có thể phóng tầm mắt nhìn thấy những lớp san hô sống. Những hòn ngọc này của biển là sự kết hợp hoàn hảo các sắc màu xanh dương, hồng, vàng và xanh lá cây. Ở đây, san hô cũng thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện của cư dân trên đảo. Khoa học cũng thường xuyên nhấn mạnh san hô đóng vai trò quan trọng trong chống biến đổi khí hậu và hiện nay các rạn san hô đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.
Cộng đồng ngư dân tại Cù Lao Chàm có khoảng 2.300 người. Những người dân trên đảo chung sống hòa thuận với biển. Ngư dân trên đảo, một số dùng tàu thuyền đánh cá bằng gỗ nhỏ và nhiều người dùng thuyền thúng để thả lưới và câu bào ngư, cá chẽm, cá mú, tôm hùm, mực và hải sâm. Nơi cư trú của chúng là hơn 1.500ha rừng tự nhiên, là một hệ sinh thái quan trọng bao gồm các rạn san hô, rong biển và thảm cỏ biển. Chẳng ngạc nhiên chút nào khi hòn đảo được gọi là "đảo thiên đường" trong thập niên 1960.
Biển Đông được coi là "điểm nóng" tiềm năng trên thế giới với các tuyên bố chủ quyền của các bên tranh chấp, thường xuyên xuất hiện các hoạt động đe dọa ngư dân, khai thác hải sản tận diệt, phá hoại san hô, đa dạng sinh học, gây ra sự mất cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, khi tới Cù Lao Chàm, một hòn đảo tại Biển Đông, du khách lại có thể tận hưởng môi trường yên bình, thấy được ngư dân hàng ngày tiến hành các hoạt động đánh cá bền vững và bảo tồn môi trường sinh thái.
Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh cười chia sẻ: "Khi tôi lần đầu tiên đề cập ý tưởng rằng ngư dân cần chấm dứt đánh cá gần các rạn san hô, họ tưởng đầu óc tôi không bình thường". Giờ đây, người dân địa phương đã hiểu được giá trị của việc bảo tồn biển. Sự phong phú của các sinh vật biển tại đây hoàn toàn có thể nhìn thấy được với cuốc sống sinh động của các loài cua, trai, ốc, rong biển, sứa...
Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển được xây dựng vào tháng 12/2005 theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh được giao nhiệm vụ lập bản đồ các mục tiêu tài nguyên thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử tại Cù Lao Chàm cần được bảo vệ. Đến năm 2009, khu vực này được UNESCO xác định là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
"Chúng tôi đã tổ chức cả một chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục người dân rằng việc bảo tồn sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho cuộc sống của họ," ông Trinh cho biết.
Niềm tự hào của nhà khoa học biển chính là việc những người dân đã chấp nhận áp dụng mô hình đánh cá bền vững và điều này đã mang lại sức sống kinh tế mới, với những nguồn thu được tạo ra từ các dịch vụ lặn, hướng dẫn du lịch, sản xuất nước mắm...
Cù Lao Chàm là quần đảo có diện tích khoảng 300 km2. Nơi đây tự hào với 3 ngọn núi Ngọa Long, Tiên Bút, Bát Lao cùng rất nhiều các hòn đảo lớn nhỏ như Hòn La, Hòn Kho, Hòn Dài, Hòn Lớn, Hon Én... Tất cả đều nằm rải rác trên Biển Đông, trong đó Hon Én (Đảo Yến) là nơi người dân địa phương hàng năm thu hoạch được hàng tấn yến sào cung cấp cho đất liền.
Kể từ khi các tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gia tăng, ngư dân Việt Nam và Philippines, vốn vẫn giữ phong cách đánh cá truyền thống từ thế kỷ 19, bị kẹt giữa các cuộc xung đột nên gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống của họ phải đối mặt với vô số các thách thức, nhất là việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, hủy hoại các rạn san hô, hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đâm chìm tàu thuyền đánh cá bằng gỗ của Việt Nam, đơn phương áp các khu vực cấm đánh bắt cá...
Tình hình tại quần đảo Trường Sa cũng hết hết sức phức tạp. Hơn 30 năm qua, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei và Đài Loan, với các lý do khác nhau, đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với hơn 700 hòn đảo và rạn san hô tại đây. Rõ ràng việc kiểm soát biển Biển Đông sẽ tác động đáng kể đến vấn đề tự do hàng hải cũng như việc theo đuổi các nguồn tài nguyên vùng biển này.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông, tiến sỹ Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) cho rằng: "Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai các công trình xây dựng trên các rạn san hô". Với nỗ lực nhằm làm dịu bớt những lo ngại về vấn đề môi trường, ông này nói thêm rằng việc xây dựng được thực hiện trên các rạn san hô "đã chết". Tuy nhiên, các học giả đã chứng minh rằng chính Trung Quốc đã nạo vét làm cho san hô chết để rồi sau đó tiến hành xây dựng các công trình trên san hô chết, gây tác động xấu tới môi trường sinh thái Biển Đông.
Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng biển chỉ có thể đem lại lợi ích bền vững khi các hệ sinh thái biển và duyên hải được duy trì khỏe mạnh. Ông nhấn mạnh "những vấn đề môi trường này rất quan trọng trong việc duy trì sự phát triển xã hội và kinh tế bền vững trong khu vực ASEAN cũng như trong bảo vệ các giá trị sinh thái toàn cầu và các nguồn tài nguyên trên thế giới".
2.000 năm trước, nhiều giai đoạn Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ nhưng sau đó đã quật cường vùng dậy giành lại non sông, đất nước. Ở Trường Sa, năm 1988 cũng đã nổ ra xung đột Việt-Trung, khi đó quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực giết hại hơn 60 lính hậu cần Việt Nam để chiếm đóng bãi cạn Gạc Ma.
Tại Việt Nam, có khoảng 160.000 ngư dân dân tộc Chăm vốn có tổ tiên sống gắn bó với Biển Đông trong hơn một thiên niên kỷ qua. Trước kia, mạng lưới thương mại rộng lớn của người Chăm mở rộng về phía Đông Bắc đến tận Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và mở rộng xuống phía Nam đến Malaysia và Indonesia. Giờ đây, người Chăm và các dân tộc khác của Việt Nam phải chứng kiến việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động bòn rút đại dương, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại các rạn san hô biển.
Từ lâu, Việt Nam đã quy hoạch các khu bảo tồn biển để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực. Từ những năm 1960, số lượng các loài cá ở Biển Đông đã giảm rõ rệt, từ 487 xuống còn 238 loài. Vì vậy, các nhà khoa học biển của Việt Nam như tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi và tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn hoàn toàn đồng ý rằng quản lý đại dương là việc làm cần thiết cho tương lai của đất nước và cho khu vực.
Việt Nam có đường bờ biển hình chữ S trải dài 3.200 km, bao gồm cả nhiều đảo và khu vực san hô rộng lớn. Việt Nam từ lâu đã nhận thức được thực trạng các rạn san hô đang dần bị suy giảm. Tháng 6/1985, Việt Nam đã thông qua một chiến lược bảo tồn quốc gia như một bộ phận quan trọng trong kế hoạch tổng thể đảm bảo sự tồn tại của quốc gia, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm mức tăng dân số, tăng độ che phủ rừng để bảo tồn nguồn đất và nước.
Việt Nam đã gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và thực hiện các sáng kiến bảo tồn để duy trì vẻ đẹp phong phú và bảo vệ di sản thiên nhiên của đất nước. Tuy nhiên, chính quyền Trung ương cùng các tỉnh đã biết lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, sẵn sàng xây dựng các khu bảo tồn thông qua các sáng kiến mới tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, kết hợp các nguồn đầu tư công tư nhằm hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Từ năm 2010, Việt Nam đã bắt tay thực hiện sáng kiến xây dựng "khu bảo tồn biển quốc gia". Hiện nay Việt Nam đã quy hoạch được tám khu vực bảo tồn và dự kiến sẽ xây dựng thêm tám khu quy hoạch bảo tồn mới trong tương lai gần hoặc đến năm 2020.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có hơn 277 loài san hô, 270 loài cá sống quan các rạn san hô, bốn loài tôm hùm và 97 loại động vật thân mềm. Mặc dù chưa đáng kể so với sự đa dạng sinh học tại một số khu vực san hô ở Biển Đông, nhưng nó được công nhận là một mô hình du lịch sinh thái đem lại hiệu quả cao.
Một số nhà khoa học biển cho rằng vẫn còn những trở ngại đối với việc xây dựng các khu bảo tồn biển xuất phát từ việc phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số cùng với sự nhận thức về môi trường chưa cao của người dân, bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính đối với ngân sách và sự phản ứng từ những người lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ.
"Bảo vệ các hệ sinh thái, chia sẻ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa để tăng cường sức mạnh cho các cộng đồng dân cư sinh sống tại Cù Lao Chàm", ông Trinh cho biết thêm.
Nghỉ đêm với tư cách là khách trọ tại nhà bà Nguyễn Thị Vân và tại một số gia đình người dân địa phương khác, mỗi buổi sáng, tiếng gà trống gáy và tiếng loa truyền thanh trên đảo đánh thức chúng tôi dậy sớm. Đây cũng là phương tiện truyền thông đưa tin về các bản tin dự báo thời tiết quan trọng hàng ngày và các thông báo giúp thực hiện bảo tồn và phát triển bền vững với các câu khẩu hiệu như "không mang túi nilon lên đảo", "giữ cho đường phố sạch sẽ"...
Ngoài ra, Việt Nam còn quy hoạch nhiều khu vực bảo tồn biển thành công khác, điển hình như khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được quản lý và phát triển một cách toàn diện. Các khu bảo tồn biển của Việt Nam được quản lý ở cấp quốc gia. Việt Nam hiện có 36 khu bảo tồn biển, trong đó có 4 khu bảo tồn san hô biển. Phần lớn các khu bảo tồn biển đã được quy hoạch từ hơn hai thập kỷ trước.
Ngư dân Nguyễn Toàn Hoàng, 57 tuổi, sinh ra và lớn lên trên đảo chia sẻ về việc đánh bắt cá của ngư dân tại khu bảo tồn: "Chắc chắn việc đánh bắt cá vẫn diễn ra tốt, trên thực tế thậm chí nó còn đem lại hiệu quả cao hơn, nhưng chúng tôi rất vui khi làm các công việc dịch vụ phục vụ du khách vì điều này giúp chúng tôi bảo vệ được môi trường sinh thái biển"./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.