(HNMO) - Hết 4 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp và người lao động thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả những khó khăn về vốn và tín dụng. Các cấp chính quyền và ngành Ngân hàng đang nỗ lực phối hợp gỡ vướng cho doanh nghiệp và người lao động.
Nhiều khó khăn
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, bước vào quý II-2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện có gần 50% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, có doanh nghiệp chỉ làm việc 2 ngày/tuần để giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng. Việc thanh toán các khoản vay giới hạn thì hạch toán khó khăn do tiền hàng chưa được thanh toán. Doanh nghiệp có tâm lý ngại tiếp cận một số gói tín dụng mới…
Kết quả thống kê cho thấy tăng trưởng GRDP quý I-2023 của thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%. Kết quả giải ngân đầu tư công thấp (đạt 3,48% kế hoạch so với trung bình cả nước là hơn 15%). Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung có số doanh nghiệp lớn nhất cả nước (chiếm hơn 40%), cần được hỗ trợ vốn và tín dụng để vượt qua khó khăn.
Về phía người lao động, một số gói tín dụng ưu đãi cũng có những điều kiện tiếp cận khắt khe. Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ngay như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay mua nhà ở xã hội, 4 ngân hàng thực hiện cho vay yêu cầu đích thân người vay phải đến làm thủ tục, không ủy quyền qua tổ chức công đoàn nhưng công nhân đi làm cả ngày, rất khó sắp xếp thời gian đến làm việc với ngân hàng.
Cũng theo bà Vũ Thế Vân, điều kiện mua nhà là công nhân phải có 50% tiền mua nhà; phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội mới được làm hồ sơ vay 50% số tiền còn lại để mua nhà. Cùng với đó, công nhân phải là người đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố; gói hỗ trợ tiêu dùng 20.000 tỷ đồng chưa thấy triển khai…
“Những điều kiện này khiến có rất ít công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, những năm qua, thành phố có rất ít dự án nhà ở xã hội được thi công; thành phố còn rất nhiều công nhân làm việc ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp… Chúng tôi mong có những thiết kế chính sách phù hợp hơn”, bà Vũ Thế Vân đề nghị.
Tìm cách gỡ vướng
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết, ngành Ngân hàng đã triển khai kế hoạch giải ngân gói vay 120.000 tỷ đồng đến các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank. Từ đó, hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
“Tuy nhiên, gói này chỉ cho vay với những dự án mới. Hiện Bộ Xây dựng đang rà soát danh mục các dự án được vay từ gói này rồi mới công bố. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa có trường hợp nào được duyệt vay. Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát tình hình để triển khai sớm gói vay ưu đãi này”, ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin.
Từ phía thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, thông tin UBND thành phố đã đề nghị ngành Ngân hàng có giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, hỗ trợ nhu cầu tín dụng đối với các đối tượng yếu thế theo phương pháp tín chấp để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hạn chế tín dụng đen…
“Hiện thành phố đang nghiên cứu để đề xuất chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, đặc biệt là những người bị ngừng việc, giảm việc, giảm thu nhập; sẽ có chính sách về đất đai, về tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân. Thành phố cũng đã đề nghị các ngân hàng xem xét công nhân có việc làm ổn định, thu nhập tương đối thì có thể vay để mua nhà như cho vay tiêu dùng”, bà Trần Diệu Thúy cho biết.
Về hỗ trợ vốn, tín dụng cho doanh nghiệp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các khoản vay mới, cần nghiên cứu các điều kiện phù hợp, làm sao định giá tài sản thế chấp, giải ngân trên tài sản. Một số trường hợp có tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng thì có thể mở rộng áp dụng tín chấp.
Thành phố cũng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đồng hành trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, phục hồi lại thị trường và mở rộng thị trường mới, kiến nghị Chính phủ có một chính sách, chiến lược quốc gia trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nước ngoài.
“Thành phố cũng kiến nghị các cấp, các ngành sớm có giải pháp đồng bộ, tổng thể để giải quyết cơ bản, dứt điểm tiến tới ổn định có liên quan đến Ngân hàng SCB và một số ngân hàng đang thuộc diện giám sát khác trên địa bàn thành phố và có những ý kiến đến các cơ quan liên quan về các vấn đề trái phiếu”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.