Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền đã gần dân hơn

Võ Khôi| 11/12/2010 07:18

(HNM) - TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, đô thị đông dân, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; thu ngân sách chiếm 1/3 ngân sách quốc gia, tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 22% GDP của cả nước và trong 10 năm qua luôn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…

Vì lẽ đó, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn luôn quá tải do phải đáp ứng một khối lượng lớn các nhu cầu liên quan đến nhiều loại thủ tục hành chính (TTHC) giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Trước khi triển khai thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), TP vẫn có nhiều cơ quan, đơn vị chưa thể trả lời một cách chính xác là đơn vị, cơ quan mình có bao nhiêu TTHC đã và đang giải quyết; vẫn còn tình trạng cùng một TTHC, mẫu tờ khai hành chính nhưng mỗi nơi làm một kiểu, hay "tự phát sinh" thủ tục, hồ sơ giấy tờ không cần thiết trái quy định của pháp luật; mỗi nơi, mỗi ngành quy định khác nhau, thiếu rõ ràng, minh bạch, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch… còn gây phiền hà, tăng chi phí, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp và dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Thực hiện cơ chế “một cửa” tại Chi cục Thuế quận 1. Ảnh: Anh Tuấn

Từ đầu năm 2007, Đề án 30 được triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn ở 3 cấp (sở, ban, ngành TP và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn) với tất cả các TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Là đô thị lớn có tới 2.543 TTHC (gần gấp đôi thủ tục so với 62 tỉnh, thành trong cả nước), nên trong quá trình triển khai thực hiện, ở từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, lãnh đạo TP luôn tìm những cách làm hay để thực hiện cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Để làm tốt việc CCTTHC, TP chia Đề án làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1, thống kê TTHC (từ tháng 11-2008 đến tháng 9-2009); giai đoạn 2, rà soát TTHC (từ tháng 9-2009 đến hết tháng 4-2010); giai đoạn 3, thực thi phương án đơn giản hóa TTHC (từ tháng 5-2010 đến hết tháng 12-2010).

Kết thúc giai đoạn 1 (thống kê TTHC), UBND TP đã ban hành 28 quyết định, công bố 2.540 TTHC đang thực hiện, trong đó tại các sở, ban, ngành thành phố là 1.730 thủ tục; đã chuẩn hóa được bộ TTHC chung áp dụng tại quận, huyện (638 thủ tục); tại phường, xã, thị trấn 172 thủ tục và đã được nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Có thể nói, đây là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh thiết lập và công bố công khai TTHC của từng sở, ban, ngành và bộ thủ tục hành chính chung áp dụng thống nhất tại quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Việc làm này đã bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ trong phạm vi toàn TP. Tới giai đoạn 2, trong tổng số 2.543 TTHC, TP đã đơn giản hóa 1.826 thủ tục (71,81%), hơn gấp đôi chỉ tiêu mà Thủ tướng đặt ra. Còn ở giai đoạn 3, đến nay 192/197 thủ tục đã thực thi xong (các sở, ban, ngành 65 thủ tục); và lãnh đạo TP vẫn yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện hơn nữa công tác CCTTHC. Hiện nay, TP đã chuẩn hóa một bộ TTHC chung áp dụng tại quận, huyện, phường, xã, thị trấn và bộ thủ tục thuộc thẩm quyền của từng sở, ban, ngành thành phố, đây là cơ sở pháp lý để cán bộ, công chức thực hiện nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường việc giám sát của tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện TTHC của cơ quan nhà nước.

Hơn hai năm thực hiện Đề án 30, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực và được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP trong CCTTHC nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; bước đầu đã tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về công cuộc CCHC nói chung và CCTTHC nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền đã gần dân hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.