Quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập hôm nay 17/2 đã để lỡ hạn chót để bắt đầu rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực giới tuyến.
Trước đó, theo thỏa thuận ngừng bắn thông qua đàm phán nước rút giữa lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp tuần trước, các bên hôm nay bắt đầu tiến hành rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực giới tuyến, tạo nên một khu vực an toàn rộng lớn
Người lính Ukraine vẫn giữ vị trí của họ ở Debaltseve (ảnh: Reuters) |
Nếu lệnh ngừng bắn được thực hiện theo đúng kế hoạch thì một vùng đệm giữa hai bên xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ được thành lập. Cả hai bên sẽ phải rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực giới tuyến, tạo nên một khu vực an toàn rộng lớn. Việc rút vũ khí phải được hoàn tất trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, cả chính phủ và lực lượng đối lập hôm nay đều tuyên bố sẽ chỉ rút vũ khí sau khi lệnh ngừng bắn được tôn trọng và các bên khác đưa ra hành động trước. Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenco nhấn mạnh, lực lượng đối lập tiếp tục tấn công vào các vị trí lúc đêm qua và bác bỏ việc lệnh ngừng bắn đang được giám sát chặt chẽ.
Ông Lysenco khẳng định, ngay sau khi lực lượng đối lập ngừng bắn, chính phủ Ukraine sẽ bắt đầu rút vũ khí hạng nặng:“Các điều kiện tiên quyết để rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến đó là thực hiện lệnh ngừng bắn trong thỏa thuận Minsk. Hơn một trăm các vụ tấn công kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực là lí do tại sao chúng tôi không sẵn sàng rút vũ khí. Tuy vậy chúng tôi cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện để có thể rút vũ khí bất cứ lúc nào”.
Theo các hãng tin của Nga, lực lượng đối lập Ukraine tối nay có kế hoạch thảo luận với đại diện Ukraine, Nga và các nhóm giám sát lệnh ngừng bắn về việc rút vũ khí ra khỏi khu vực giới tuyến. Chính phủ Kiev hôm nay cho biết, các vụ giao tranh tiếp tục diễn ra tại thị trấn Debaltseve, còn tại các khu vực khác đều khá yên bình.
Trong một nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hòa bình đang có nguy cơ sụp đổ, lãnh đạo Nga, Ukraine và Đức đã có cuộc điện đàm đêm qua. Văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, 3 nhà lãnh đạo đều nhất trí những bước đi cụ thể giúp các quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu có thể giám sát lệnh ngừng bắn.
Đức và Ukraine cũng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng ảnh hưởng đối với lực lượng đối lập để chấm dứt giao tranh. Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu hôm nay cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên trong cuộc xung đột Ukraine kiềm chế các hành động có thể làm hủy hoại lệnh ngừng bắn vừa có hiệu lực.
Trong tuyên bố đưa ra, Tổ chức An ninh và hợp tác khẳng định, các giám sát viên của OSCE và nhóm tiếp xúc 3 bên về Ukraine sẽ tiếp tục nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định tại Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho biết các nước đang tiếp tục các cuộc đối thoại để cứu vãn thỏa thuận hòa bình vừa đạt được.
Trong một nỗ lực giúp đỡ người dân Đông Ukraine vượt qua những khó khăn của cuộc xung đột, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết sẽ cử thêm các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo tới miền đông trong những ngày tới và tiếp tục chấp hành mọi yêu cầu theo các văn kiện quốc tế về viện trợ nhân đạo.
Nga sẽ hợp tác với Hội chữ thập đỏ quốc tế, đại diện của chính phủ Ukraine , Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu để thực hiện các hoạt động nhân đạo này. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cũng khẳng định nước này sẵn sàng tham gia các hoạt động dò phá bom mìn tại miền đông nam Ukraine nếu chính phủ nước này đề nghị./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.