(HNM) - Năm 2016 khép lại với bao khó khăn mà đất nước ta phải đối mặt: Thiên tai diễn ra khốc liệt; những yếu kém trong nội tại nền kinh tế chưa được khắc phục triệt để... Trong bối cảnh đó, đồng bào và cử tri cả nước ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng, tập đoàn kinh tế với chương trình "Thanh niên khởi nghiệp". |
Quan tâm giải quyết toàn diện các vấn đề
Có thể nói, tám chữ "kiến tạo, phục vụ, liêm chính, công khai" đã phản ánh đầy đủ nhiệm vụ phương cách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhanh chóng được Chính phủ cụ thể hóa trong các nghị quyết, quyết định quan trọng. Xác định rõ những vấn đề đang đặt ra đối với đất nước, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... Những hạn chế, yếu kém; những khó khăn, vướng mắc; những vấn đề quan trọng, cấp thiết như, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt... được Chính phủ sát sao chỉ đạo giải quyết, khắc phục.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả chi tiêu công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội; chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công; tăng cường phòng, chống tham nhũng… Các bộ, ngành trung ương đã tập trung xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế; hạn chế tối đa sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế. Đích thân Thủ tướng đã sâu sát chỉ đạo, lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương; từ đó, tác động tích cực tới các bộ, ngành, địa phương, với 6.367 nhiệm vụ đã được hoàn thành trong tổng số 10.205 nhiệm vụ (3.838 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 3.656 nhiệm vụ đang trong thời hạn giải quyết, 182 nhiệm vụ quá hạn).
Một mặt tập trung nghiên cứu, xử lý những vấn đề mang tính chiến lược, vĩ mô, mặt khác, Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, bức xúc xã hội, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, phục vụ hiệu quả các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khá (GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở Châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%). Đặc biệt, trong bối cảnh Ngành Nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành vẫn đạt khoảng 1,2%. Và nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội.
Phát triển nhanh và bền vững
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Trong một năm qua, Chính phủ đã quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời xác định rõ, doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công.
Trước tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Tiếp đó, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giảm tối đa giấy phép con gây phiền hà cho doanh nghiệp. Với việc ban hành nhiều nghị định có hiệu lực từ 1-7-2016, 3.000 giấy phép con đã được bãi bỏ, cải thiện một bước môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương thực hiện "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" đối với doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo gỡ bỏ các rào cản, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Chỉ riêng việc Bộ Công Thương bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 3.000 người lao động là một nét mới, thể hiện rõ tinh thần Chính phủ phục vụ.
Nhờ nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương, năm 2016 ghi nhận những kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đăng ký; số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân… Đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết lên tới 891.094 tỷ đồng (đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới), tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Đã có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 43,1%.
Đây là những con số hết sức sống động về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam; là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống. Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy; mục tiêu 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp đã đạt được thành công bước đầu, tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp.
Những thành công của năm 2016 tạo không khí mới, động lực mới, niềm tin và kỳ vọng mới; có ý nghĩa chiến lược, tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Hơn hết, sự kỳ vọng, tin tưởng của đồng bào và cử tri cả nước sẽ là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để Chính phủ thực hiện hiệu quả chủ đề chỉ đạo, điều hành của năm 2017: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.