Các chuyên gia CNTT nước này cho rằng cách Windows 8 tương tác TPM 2.0 có thể thành công cụ để Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) thu thập dữ liệu từ máy tính.
Các chuyên gia CNTT của Đức cho rằng Windows 8 đe dọa an toàn thông tin. |
Tờ Zeit Online hôm qua tiết lộ một số tài liệu mật liên quan đến cảnh báo của các chuyên gia CNTT trong chính phủ Đức về hệ điều hành mới của Microsoft. Theo đó, Windows 8 có thể là công cụ để Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) điều khiển từ xa bất kỳ máy tính nào và cài đặt các phần mềm gián điệp.
Nguồn tin cho biết sự lo lắng lớn nhất của các chuyên gia đến từ cách Windows 8 tương tác với các module Trusted Platform Modules (TPMs). Đây là công nghệ bảo mật được tích hợp vào phần cứng của máy tính. Các máy tính (chủ yếu là laptop) có sử dụng công nghệ này đang rất được ưa chuộng.
Chính vì thế, khi hệ điều hành mới được kết hợp với TPM 2.0 vào năm 2015, các chuyên gia lo sợ sẽ không thể vô hiệu hóa trong trường hợp không muốn sử dụng. Khi đó, người dùng máy tính sẽ không thể biết chính xác những gì Microsoft cập nhật thông tin từ xa. "Điều này là mất kiểm soát và không đảm bảo an toàn thông tin trong các máy tính có TPM 2.0 với hệ điều hành Windows 8", báo cáo có đoạn.
Tuy nhiên, tài liệu cũng nhấn mạnh các phòng ban chính phủ nước này vẫn có thể sử dụng hệ điều hành Windows 7 cho đến năm 2020.
Lo ngại của quan chức CNTT của Đức là không thừa bởi theo BGR, nhiều công ty công nghệ thông tin của Mỹ được hưởng lợi rất nhiều từ chính phủ mà đặc biệt là NSA khi chịu chia sẻ các thông tin về người dùng. Microsoft nhiều khả năng cũng không phải ngoại lệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.