(HNM) - Chiều 22-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Quốc hội và UBTVQH về hoạt động giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 tại các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng cho biết, qua 9 kỳ họp của Quốc hội và 40 phiên họp của UBTVQH, Chính phủ đã triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của 7 nghị quyết của Quốc hội và 8 nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề; 7 nghị quyết Quốc hội và 6 thông báo kết luận của UBTVQH về chất vấn và trả lời chất vấn; nhận và trả lời 1.585 phiếu chất vấn bằng văn bản (trong đó 1.362 phiếu tại kỳ họp Quốc hội, 223 phiếu tại phiên họp UBTVQH). Đáng lưu ý là, về xử lý nợ xấu, sau các phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các thành viên Chính phủ, nhiều giải pháp tích cực giải quyết đã được triển khai. Đến cuối tháng 8-2015, nợ xấu chiếm 3,2% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện. Mục tiêu phấn đấu từ nay đến ngày 30-9-2015 là giảm nợ xấu xuống mức dưới 3%.
Sáng cùng ngày, UBTVQH nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Kết quả cho thấy, các nông, lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý hơn 7,9 triệu héc ta đất, trong đó có hơn 2,4 triệu héc ta rừng sản xuất; 638.985ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619ha đất chưa sử dụng. Song hiệu quả sử dụng đất kém, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực.
Phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định.
* Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 5, 7, 8 đã tiếp xúc cử tri các huyện, thị xã: Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Sơn Tây và Ba Vì. Nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề chống tham nhũng, lãng phí; giá điện tăng cao so với mức lương người lao động; ô nhiễm môi trường. Theo cử tri thị xã Sơn Tây, khâu được coi là yếu nhất trong kê khai tài sản hiện nay là hình thức, không kiểm soát được tài sản thực của cán bộ, đảng viên. Kiểm kê tài sản không có hiệu lực thì vấn đề chống tham nhũng cũng kém hiệu lực. Cho nên phải có cơ chế quản lý rất chặt chẽ về kiểm kê, kiểm soát, công khai, minh bạch tài sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.