Nhóm đối tượng trong các đường dây lừa đảo qua điện thoại bị Công an TP.HCM bắt giữ gần đây. Ảnh: Gia Minh |
Trước tình trạng bùng phát chiêu lừa đảo qua điện thoại đang diễn ra, chiều 25-11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị như Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM, một số ngân hàng thương mại cổ phần và Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam lên tiếng cảnh báo người dân về tình trạng lừa đảo qua điện thoại.
Tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia
Theo phòng PC46, trong năm 2014, PC46 phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ của Công an TP, Công an các tỉnh thành phố khác trên cả nước và bộ Công an bắt giữ, khởi tố và đề nghị truy tố hơn 70 đối tượng, trong đó có 15 người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc).
Các đối tượng này đều là những thành viên, mắt xích của băng nhóm, tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia hầu hết do người Đài Loan, Trung Quốc cầm đầu.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, chiêu lừa này lại tái bùng phát, phương thức cũ nhưng thủ đoạn và phương pháp lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tinh vi hơn, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra hơn.
Chiêu thức lừa đảo được các đối tượng nghiên cứu rất kỹ, áp dụng ở Đài Loan, Trung Quốc nhiều năm trước, lừa được rất nhiều người rồi mới chuyển sang lừa người Việt Nam.
Các đối tượng tuyển chọn người Việt Nam, đưa ra nước ngoài đào tạo về cách khống chế, điều khiển, ức chế tâm lý con người từ xa qua điện thoại. Khi đã đào tạo bài bản, các đối tượng lập các căn cứ ở nước ngoài, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để giả đầu số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận, hàng ngày gọi hàng trăm cuộc điện thoại về Việt Nam để “săn mồi”.
Trong hàng trăm cuộc gọi đó, hầu hết bị phát hiện, từ chối hành động, nhưng chỉ vài nạn nhân “mắc bẫy” là nhóm này thành công, vì mỗi nạn nhân có thể mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Ở trong nước, các băng nhóm lừa đảo sử dụng những người phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, người Việt gốc Trung Quốc, Đài Loan, người từng qua lại Trung Quốc để làm đầu mối. Các đầu mối tại Việt Nam chịu trách nhiệm thiết lập cơ sở cấp dưới, dụ dỗ người lao động nghèo, công nhân hay người dân ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí cả người thân, người quen đi mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ ATM.
Sau khi nhận thẻ ATM, người làm bán nguyên bao thư chứa thẻ ATM cho đầu mối thu gom với giá từ vài trăm tới vài triệu đồng/thẻ. Các tài khoản này sẽ được nhóm gọi điện từ nước ngoài chỉ định cho nạn nhân chuyển vào, sau đó rút tiền mặt hoặc chuyển qua tài khoản khác qua phần mềm internet banking nhằm xóa dấu vết.
Thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng người ở các vùng miền khác nhau để gây khó khăn cho công tác truy tìm, bắt giữ. Nạn nhân ở phía Nam thì chúng buộc gửi tiền ra phía Bắc và ngược lại. Hầu hết tài khoản đều dùng CMND giả để mở, rút tiền xong là đóng tài khoản khiến công tác truy tìm gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ - trong lúc đó chúng chiếm đoạt tiền thành công.
Phối hợp nâng cao cảnh giác
Thượng tá Cao Xuân Lợi, phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khẳng định: "Cơ quan điều tra chỉ mời, triệu tập những người có liên quan tới các vụ án bằng giấy mời, giấy triệu tập gửi qua Công an địa phương, không làm việc qua điện thoại nếu không có sự thống nhất từ trước với người dân.
Không có cơ quan chức năng nào của Việt Nam yêu cầu người dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác để điều tra, xác minh hay đóng phí dịch vụ bưu điện, phí hải quan… Vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại thông báo nợ cước điện thoại, thông báo nhận quà, trúng thưởng và đề nghị nộp tiền.
Nếu nhận các cuộc gọi như vậy, đề nghị báo ngay cho Công an địa phương hoặc đội 8, phòng PC46 để được giúp đỡ".
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết: "Trong thời gian qua, chiêu thức lừa đảo này diễn ra nhiều, ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đã yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát lại quy trình lập tài khoản, cấp thẻ ATM, đặc biệt là công tác nhận dạng người mở tài khoản.
Các giao dịch bất thường của người gửi tiền, nhận tiền tại TP.HCM đều được chú ý đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để ngăn chặn lừa đảo. Tại các phòng giao dịch, bàn giao dịch của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đều niêm yết công khai các phương thức, thủ đoạn của nhóm lừa đảo để người dân đề phòng, cảnh giác".
"Việc nhân viên ngân hàng móc nối, tiếp tay cho các tổ chức lừa đảo mà bị phát hiện sẽ bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định”, ông Minh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.