(HNM) - Đúng ngày này 75 năm về trước, ngày 9-5-1945 đã mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại khi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít kết thúc với chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, giúp loài người thoát khỏi thảm họa diệt vong. Với ý nghĩa hào hùng, mang tính thời đại đó, ngày này hằng năm trở thành Ngày chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý, nhằm tưởng nhớ, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng bảo vệ Tổ quốc...
Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945) là cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại do liên minh phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản phát động, tập trung chủ yếu tại chiến trường châu Âu và bao trùm trên hầu hết các châu lục, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỷ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến.
Sau khi đánh chiếm hàng loạt nước châu Âu, phát xít Đức tập trung lực lượng lớn tiến công Liên Xô, mở ra cuộc chiến tranh Xô - Đức (1941-1945) với những đòn tấn công khốc liệt và chớp nhoáng, song đã nhận lại sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Sau khi chuyển từ phòng ngự sang chiến lược phản công, Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, giải phóng Tổ quốc và nhiều quốc gia trong khu vực. Đúng 0h43 ngày 9-5-1945 (theo giờ Mátxcơva), đại diện Đức quốc xã đã phải ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước Đồng minh.
Chiến thắng đầy tự hào của các lực lượng dân chủ và hòa bình có ý nghĩa to lớn không chỉ với Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay mà đã tạo thời cơ vàng cho làn sóng cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Các dân tộc bị áp bức vùng lên mạnh mẽ giành độc lập, tự do và quyền tự quyết định vận mệnh của mình, làm lung lay, sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Trong đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang.
75 năm trôi qua, ngày 9-5 là dịp diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm tại các nước, đặc biệt là tại Nga để nhắc nhở các thế hệ về ý nghĩa và giá trị trường tồn của sự kiện lịch sử này. Theo sắc lệnh được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tháng 7-2019, năm 2020 là “Năm Tưởng nhớ và Vinh danh” để gìn giữ những ký ức lịch sử gắn liền với cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Liên bang Nga vẫn trang trọng kỷ niệm Ngày chiến thắng, song hầu hết các hoạt động được chuyển sang hình thức tổ chức trực tuyến. Lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ được hoãn lại vào thời điểm thích hợp, thay vào đó là phần diễu binh trên không và bắn pháo hoa tại các thành phố. Đặc biệt, sau phút mặc niệm vào chiều 9-5, người dân Nga sẽ ra ban công cùng hát vang bài “Ngày chiến thắng” - làm sống lại không khí hào hùng, củng cố niềm tin và sức mạnh được truyền lại từ các thế hệ ông cha hơn 7 thập kỷ trước.
Dù mang ý nghĩa không thể chối bỏ, song nước Nga và thế giới giờ đây vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình gian nan để hoàn thành lý tưởng và bảo vệ giá trị của ngày kỷ niệm vĩ đại này, trước mưu đồ bóp méo sự thật, hạ thấp, bôi nhọ thành quả cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô và loài người tiến bộ vốn được đánh đổi bằng xương máu của hàng chục triệu chiến sĩ, người dân.
Để đi đến Ngày chiến thắng, nhân dân Liên Xô đã phải hứng chịu những hy sinh, mất mát to lớn nhất, những tổn thất không thể bù đắp nổi. Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống V.Putin một lần nữa nhấn mạnh, đối với nước Nga, ngày 9-5 là ngày lễ vĩ đại nhất, thiêng liêng nhất, khẳng định quyết tâm “dùng sự thật để chống lại những luận điệu dối trá trắng trợn và những mưu đồ viết lại lịch sử”.
Bóng ma phát xít hiện vẫn nhen nhóm và ẩn giấu dưới nhiều hình thức khác nhau như khủng bố, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khuynh hướng theo đuổi chính sách đối ngoại đơn phương… Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 27-4 vừa qua cho thấy, chi phí quân sự trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn ngày càng phức tạp, khó lường và tác động dài hạn, nghiêm trọng trên diện rộng mà không một quốc gia nào có thể một mình ứng phó.
Cuộc chiến chống phát xít đã lùi xa 75 năm, nhưng chân lý về sự đoàn kết của các lực lượng tiến bộ để đương đầu với thách thức của thời đại vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Minh chứng rõ nét nhất chính là nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Dù các quốc gia phải tạm thời áp dụng biện pháp hạn chế, đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng thế giới đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết thông qua những nỗ lực chia sẻ, hợp tác. Sự quyết tâm, đồng lòng đánh bại "kẻ thù chung" đó một lần nữa khẳng định giá trị nhân văn, nhân đạo không thể đảo ngược và sẽ trường tồn từ lịch sử tới hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.