Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên cáo mức thuế quan bảo hộ thương mại mới 30% đối với Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ ngày 1-8 tới, với ngôn từ mạnh mẽ và lập luận rõ ràng.
Ông D.Trump phàn nàn về thâm hụt lớn trong cán cân trao đổi thương mại của Mỹ với EU, về gánh nặng thuế quan và phi thuế quan mà EU gây ra cho Mỹ cũng như về những rào cản thương mại khác. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, EU không bảo đảm "có đi, có lại" trong quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ trong thời gian dài.
Trước lần áp thuế quan bảo hộ thương mại thứ ba 30% vừa qua đối với EU, ông D.Trump đã áp mức thuế quan 10% và sau đó tăng lên 20% đối với EU. Hai bên đã tiến hành đàm phán thương mại trong thời gian qua nhưng cho đến nay không đạt được tiến triển đáng kể nào.
Thực chất của bất đồng quan điểm giữa hai bên tập trung vào hai nội dung chính.
Thứ nhất là cách tiếp cận và mục đích. EU muốn đàm phán thương mại với Mỹ để đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại song phương mới. Thực chất ở đây là EU vừa nhằm mục tiêu xử lý ổn thỏa cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại hiện tại giữa Mỹ và EU vừa có được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ sâu rộng và bao trùm hơn để ngăn ngừa thương chiến song phương lại tái phát trong tương lai, tức là ổn định hóa bền vững và lâu dài toàn bộ mối quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại giữa EU và Mỹ. Trong khi đó, ông D.Trump thì chỉ muốn có được những nhượng bộ cụ thể và rõ ràng ngay lập tức từ phía EU liên quan đến những phàn nàn nói trên, tức là những con số và cam kết cụ thể từ phía EU để ông D.Trump có thể tuyên bố trên truyền thông làm chiến thắng trong cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ với EU.
Thứ hai là EU phải chấp nhận nhượng bộ đến mức độ nào thì ông D.Trump mới hài lòng và mới không lật kèo vào thời điểm nào đấy sau này.
EU vận dụng cái gọi là "chiến lược kép" để ứng phó với người đứng đầu nước Mỹ. Chiến lược này bao gồm hai thành tố là vừa kiên trì đàm phán thương mại với Mỹ vừa chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản đàm phán thương mại thất bại mà cụ thể là sẵn sàng đáp trả Mỹ theo phương châm "người sao, ta vậy" với Mỹ, thể hiện thiện chí đàm phán đi cùng với lộ thông điệp cảnh báo và răn đe về chủ định sẽ đáp trả Mỹ tương xứng, mong muốn "rút củi đáy nồi" nhưng không ngại leo thang xung khắc.
EU thuộc diện rất ít đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trên thế giới có thể thực thi chiến lược kép này trong cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ. Họ đều có những quân bài chủ lực riêng rất đắc dụng, những lợi thế đặc thù có thể làm cho chiêu trò áp thuế quan bảo hộ thương mại trở nên phản tác dụng và lợi bất cập hại ngay hiện tại cũng như về lâu dài đối với ông D.Trump và nước Mỹ. Tất cả những đối tác này hiểu rất rõ rằng nếu không như vậy thì ông D.Trump sẽ còn lấn tới, sẽ còn kéo dài cuộc thương chiến hiện tại và sẽ lại phát động những vòng thương chiến mới trong thời gian tới. Họ ý thức được rằng nếu để bị thua ông D.Trump trong cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ thì đồng thời cũng sẽ bị sa sút uy danh và tổn hại thể diện, suy giảm vai trò và ảnh hưởng ở trên nhiều phương diện khác trong thế giới hiện đại.
Điểm yếu nhất đối với EU trong việc thực thi chiến lược kép này là bất đồng quan điểm và phân rẽ trong nội bộ về sự cần thiết và mức độ cấp thiết đạt được thỏa thuận thương mại bao trùm với Mỹ cũng như về nhiều nội dung cụ thể trong đó. Trước mắt, EU có thời gian đến ngày 1-8 tới để thực thi chiến lược này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.