(HNMO) – Sáng 19/11, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Hệ lụy của loại hình “Uber Taxi, Grab Taxi” và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững”.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Quân: Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Hiệp hội Vận tải Hà Nội khuyến cáo các đơn vị doanh nghiệp taxi truyền thống cần đổi mới về phương pháp quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, giảm hệ số chạy xe rỗng để giảm giá thành vận tải và khẩn trương áp dụng giải pháp công nghệ mới nhằm kết nối ba chủ thế: khách hàng – lái xe- doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ, không làm tăng thêm số lượng cá nhân.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội đang phối hợp với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước phổ biến áp dụng giải pháp công nghệ tổng thể, sở hữu các tính năng riêng biệt, không chỉ phù hợp với cách thức vận hành taxi truyền thống của doanh nghiệp taxi mà còn cập nhật các xu hướng công nghệ hiện đại trong việc gọi xe taxi và tối ưu trong quản lý hoạt động kinh doanh.
Tại hội thảo, Công ty CP công nghệ ASAP đã giới thiệu giải pháp công nghệ chuyên dụng cho các doanh nghiệp taxi. Thực tế, sự phát triển vượt bậc của công nghệ và xu hướng ứng dụng mobile internet đang diễn ra nhanh trên phạm vi toàn cầu, tác động mạnh đến ngành taxi. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp taxi truyền thống cần phải đổi mới và tìm kiếm cách thức để giữ vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh. ASAP Taxi đưa ra giải pháp công nghệ tổng thể, sở hữu các tính năng riêng biệt, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc đặt taxi.
Ông Võ Văn Mai – Viện Công nghệ Sáng tạo đánh giá: Ứng dụng công nghệ thông tin đang thấm sấu vào mọi mặt của cuộc sống. Với ngành vận tải, Uber và Grab Taxi đang ứng dụng công nghệ mới, tiện lợi, giá rẻ, khuyến khích người khác sử dụng. Các hãng taxi truyền thống cần có giải pháp công nghệ thông tin riêng cho từng hãng trên tổng thể chung. Viện Công nghệ Sáng tạo sẵn sàng là cầu nối công nghệ và giải đáp thông tin cho các hãng, góp phần vào trật tự hóa kinh doanh dịch vụ taxi.
Trong góp ý của Sở GTVT Hà Nội ngày 16/11/2015 về “Dự thảo Quyết định ban hành kế hoạch triển khai việc thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Bộ GTVT; Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Trong thời gian qua, trên địa bàn TP xuất hiện thêm một loại hình kinh doanh vận tải khách hợp đồng theo hình thức taxi với danh nghĩa cung cấp qua phần mềm ứng dụng. Việc này đã làm tăng đột xuất số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng.
Tính đến ngày 11/11/2015, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” 2.364 xe. Do đó, tổng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải (taxi và hợp đồng) trên địa bàn TP là 20.993 xe (chưa kể số lượng phương tiện xin cấp phù hiệu xe taxi ở tỉnh ngoài về Hà Nội hoạt động”. Theo đó, nếu không quy định rõ số lượng xe hợp đồng hoạt động thí điểm, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội theo hình thức taxi sẽ phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt (năm 2015 đạt 20.000 xe). Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ ùn tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô của TP tăng lên.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, khống chế số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia ứng dụng phần mềm phù hợp với mục tiêu của Đề án taxi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tại Điểm 1, văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định: “Đồng ý Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng; tronng đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Thời gian thí điểm 2 năm”. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng chứ không quy định khống chế số lượng đơn vị thực hiện thí điểm.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị trường hợp Bộ GTVT chỉ giao cho Công ty TNHH GrabTaxi sẽ tạo sự không công bằng với các đơn vị vận tải đang hoạt động taxi truyền thống mà có khả năng và điều kiện xây dựng phần mềm ứng dụng (thực tế hiện nay Sở GTVT đã nhận được đề nghị của một số doanh nghiệp vận tải taxi cho phép được ứng dụng phần mềm quản lý). Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT ban hành các quy định về điều kiện ứng dụng phần mềm quản lý chung để có thể triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tham luận tại hội thảo, ý kiến của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết luôn muốn Uber và Grab Taxi là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công nghệ chứ không kinh doanh vận tải trực tiếp. Nếu Uber và Grab Taxi muốn kinh doanh phải đăng ký theo quy định.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đồng thuận Grab/Uber chỉ là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi, mà ở đây cụ thể và trực tiếp là với nhân viên lái xe của công ty taxi. Do vậy, về bản chất các công ty Grab/Uber không cung cấp dịch vụ vận tải, và theo quy định của pháp luật họ cũng không được phép cung cấp dịch vụ này, họ chỉ tạo ra nền tảng để bên cung cấp dịch vụ vận tải và bên sử dụng dịch vụ vận tải gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty này lại không đơn thuần chỉ kinh doanh phần mềm, cung cấp giải pháp công nghệ, mà còn đang hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh xe taxi, và hiện nay nhiều người cũng biết đến “Uber taxi”, “Grab taxi”... như là những hãng taxi. Như vậy, xét ở khía cạnh pháp lý các công ty này đang vi phạm pháp luật của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.