(HNMO) - Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ khánh thành vào ngày 19-6-2020, là sự kiện điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Hiện nay, khâu trưng bày tại bảo tàng đang hoàn tất, trong đó đáng chú ý là nhiều bản gốc của những tờ báo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam đã được bảo tàng sưu tầm và trưng bày như, tờ Gia Định Báo, Đăng Cổ Tùng Báo...
Hơn 25.000 tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã mang đến một bức tranh khá toàn cảnh, khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam.
Bảo tàng đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý, phiên bản gốc của nhiều tờ báo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam, từ năm 1865 đến năm 1925. Giai đoạn này chủ yếu là báo chí phục vụ thực dân Pháp, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số tờ báo có những khuynh hướng chính trị khác nhau của những nhóm nho học.
Bản gốc tờ Gia Định Báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam, xuất bản vào năm 1865.
Tờ Lục Tỉnh Tân Văn, xuất bản năm 1912.
Tờ Tân Dân, xuất bản năm 1925.
Những tờ báo xuất bản trong khoảng thời gian 1925-1945, đây là giai đoạn báo chí yêu nước hoạt động bí mật và công khai nhưng phát triển mạnh.
Góc trưng bày phiên bản tờ báo Thanh Niên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu, Trung Quốc. Số đầu tiên của tờ báo xuất bản vào ngày 21-6-1925. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, mở ra lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 5-2-1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925).
Bản gốc của tờ Tri Tân, Thanh Nghị, Ngày nay.
Một góc trưng bày các hiện vật của những người làm báo cách mạng trong chiến tranh.
Góc trưng bày buổi phát hình đầu tiên. Tại đây, công chúng sẽ được nhìn lại chiếc máy quay còn đơn sơ của giai đoạn đầu làm báo hình tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.