(HNM) - Hàng đoàn người ròng rã xếp hàng để mua bằng được những chiếc Ipad mini và Ipad thế hệ 4 trong ngày ra mắt đầu tiên (2-11). Giám đốc điều hành của hãng Apple - Tim Cook, cho biết: Hãng này đã bán được 3 triệu chiếc Ipad trong 3 ngày, thiết lập một kỷ lục ra mắt mới và đang làm việc chăm chỉ để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu "không thể tin được" của người tiêu dùng (lưu ý: một chiếc Ipad mini, tùy phiên bản tại Việt Nam có giá 11-15 triệu đồng, một chiếc Ipad 4 có giá 14-18 triệu đồng). "Cơn sốt" mà Apple tạo ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu rất đáng để các nhà hoạch định chính sách kinh tế nước ta suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam gần đây, Giáo sư Roger B.Myerson - người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2007 cho rằng: "Chúng ta chỉ thịnh vượng hơn với tầm hiểu biết lớn hơn". Tầm hiểu biết hay nói cách khác là tri thức sẽ đưa loài người vượt qua những giới hạn có khi là không tưởng trong thực tế đời sống xã hội. Tri thức là tài sản, là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển. Một nền kinh tế tri thức đã hình thành cùng sự phát triển rực rỡ của khoa học - công nghệ, với những sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Khái niệm kinh tế tri thức không mới lạ với Việt Nam, nhưng chưa "đóng đinh" trong tư duy của người dân và các doanh nghiệp Việt. Do vậy, Apple có thể tiếp tục tạo ra những "cơn sốt" với các thế hệ Ipad mới, còn với chúng ta, bao giờ Việt Nam mới có được những sản phẩm như vậy trên thị trường quốc tế, vẫn là câu hỏi chưa biết đến bao giờ mới có câu trả lời.
Cách đây hơn một tháng Apple cũng đã thiết lập một kỷ lục và tạo ra một "cơn sốt nóng": Sau 3 ngày đầu ra mắt, 5 triệu chiếc IPhone 5 đã được bán trong sự chờ đợi của người ái mộ Apple trên toàn thế giới. Lúc đó, có người làm phép tính:
Một chiếc Iphone 5 tại Việt Nam có giá khoảng 25 triệu đồng (1.100 USD), 5 triệu chiếc là hơn 5 tỷ USD. Trong khi đó, tháng 9-2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào khoảng 9,7 tỷ USD. Như vậy, trong 3 ngày ra mắt lượng Iphone 5 bán trên thị trường bằng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 của cả một quốc gia! Tất nhiên mọi so sánh chỉ là tương đối, không có nghĩa là chúng ta không chạnh lòng suy ngẫm về kinh tế Việt Nam.
Việc Việt Nam đã trở thành "đối thủ nặng ký" của Ấn Độ, Braxin, Thái Lan trên một số thị trường xuất khẩu là không thể phủ nhận, nhưng trong cơ cấu hàng xuất khẩu của chúng ta, tỷ trọng của nhóm hàng máy tính, linh kiện điện tử (có hàm lượng công nghệ trung bình) chỉ chiếm… 10%. Phần lớn hàng xuất khẩu đều thuộc nhóm hàng có công nghệ thấp như may mặc, giày da… hay tài nguyên thô như khoáng sản, gạo… Do vậy, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, chưa kể những hệ lụy không thể đong đếm khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị tàn phá…
Chúng ta đang chấp nhận một thực tế đau lòng là một chiếc giày hàng hiệu bán ở nước ngoài có giá vài trăm USD nhưng giá gia công tại Việt Nam chỉ khoảng 1 USD. Thế nhưng có được đơn hàng đã đáng mừng lắm rồi vì công nhân không thể không có việc làm. Mới đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê số 1 của thế giới - một vị thế rất đáng tự hào, nhưng sau ánh hào quang ấy là gì? Doanh nghiệp Việt Nam chú tâm vào chuyện tranh mua, tranh bán trên thị trường nhiều hơn là đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch; áp dụng công nghệ sản xuất lạc hậu nên chất lượng cà phê không cao…; Kết quả là chúng ta xuất khẩu nguyên liệu với giá thành rẻ mạt (niên vụ vừa qua xuất khẩu khoảng 3,2 tỷ USD, tương đương hơn 1,6 triệu bao) để cho các hãng nước ngoài chế biến và đóng mác của họ rồi bán ra thị trường với giá thành ngất ngưởng. Gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam, cũng rơi vào cảnh tương tự. 9 tháng vừa qua, xuất khẩu gạo đạt khoảng 2,87 tỷ USD, giá trị chỉ bằng hơn 50% so với lượng Iphone 5 bán ra trong 3 ngày… Còn lĩnh vực phần mềm đòi hỏi đúng nghĩa chất xám, Việt Nam vẫn loay hoay gia công từng module là những mảng đòi hỏi tính tỉ mỉ, tốn thời gian và nhiều nhân lực. Những khâu gia công thuộc lĩnh vực công nghệ cao như điện tử cao cấp, điện toán đã và đang chuyển dịch sang Trung Quốc, Indonesia…
Nhức nhối nhất là tình trạng xuất khẩu vô tội vạ tài nguyên khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản là thứ không thể tái tạo, là tài sản của quốc gia, sử dụng nguồn dự trữ này là tiêu hao vào vốn của chính mình. Xuất khẩu thô khoáng sản làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường nhưng mang lại giá trị rất thấp. Ví dụ với titan, theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu sản xuất được xỉ titan (từ ilmenis), giá trị sản phẩm sẽ tăng 2,5 lần; sản xuất được pigmen, giá trị sản phẩm tăng khoảng 10 lần; và nếu sản xuất được titan kim loại giá trị sản phẩm tăng gần 80 lần so với sản xuất ilmenis thô… Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về "lời nguyền tài nguyên". Giáo sư Kenichi Ohno (Học viện quốc gia nghiên cứu chính sách Tokyo - Nhật Bản) cho rằng: Tăng trưởng chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn ODA hay vị trí địa lý thì sớm muộn cũng đi đến hồi kết… Nếu chúng ta tiếp tục phung phí "của để dành", tiếp tục "tiêu hoang" từ "sổ tiết kiệm" cho tương lai thì không chỉ thế hệ người Việt hiện tại mà cả thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Những bài học cay đắng từ việc khai thác tài nguyên ồ ạt của Nigeria, Mexico… đang đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt để ngăn chặn tình trạng chảy máu tài nguyên.
Không chỉ tạo giá trị gia tăng thấp, lãng phí tài nguyên khoáng sản, nền kinh tế Việt Nam đã hứng chịu và đứng trước rất nhiều nguy cơ là hệ lụy từ chính sách xuất nhập khẩu. Một vị lãnh đạo ngành công thương thừa nhận: chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua chú trọng vào chỉ tiêu, số lượng mà chưa quan tâm đến tính hiệu quả. Việc mở rộng xuất khẩu làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, trong khi với chính sách nhập khẩu hiện nay Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành "bãi thải của công nghệ thế giới". Nhận định này hoàn toàn có căn cứ bởi thực tế chúng ta xuất khẩu chủ yếu sang thị trường các nước phát triển nhưng lại chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại của các quốc gia này, trong khi đó phải nhập khẩu nguyên liệu, máy móc ở những nước kém phát triển. Và hệ lụy thế nào? Câu chuyện về phong trào phát triển xi măng lò đứng là một ví dụ. Trong 7-8 năm vào thập niên 90 của thế kỷ trước, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc, để rồi đến năm 2004, nhiều nhà máy bị Chính phủ yêu cầu khai tử vì công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là không có hiệu quả kinh tế.
Việt Nam có một đội ngũ tri thức đông đảo với khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 16.000 tiến sĩ, 6.000 giáo sư, phó giáo sư, chưa kể đội ngũ trí thức ở nước ngoài. Có một lực lượng trí thức hùng hậu vào loại bậc nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay, nhưng bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn chấp nhận tình trạng lãng phí tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và tiếp tục loay hoay với việc giải bài toán nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm hàng hóa.
Có rất nhiều nguyên nhân. Mặc dù Việt Nam coi trọng việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường nhưng về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn mang đậm dấu ấn kinh tế nông nghiệp đang chuyển dần sang kinh tế công nghiệp. Cơ cấu lao động lạc hậu, lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, trình độ hạn chế… Do vậy, những yếu tố cho sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam mới ở thời kỳ hình thành. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu rất thấp, chỉ số về kinh tế tri thức (KEI) đứng nửa dưới của bảng xếp hạng (KEI của Việt Nam là 3,51; Mỹ 9,02; Singapore: 8,44; Malaysia: 6,07…) là chuyện không phải bàn nhiều. Có điều, trong khi mức đầu tư cho khoa học công nghệ không cao (Nhà nước đầu tư 2% ngân sách, tương đương 0,5% GDP), cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học còn nặng tính bao cấp thì nguồn tài chính không dư dả này lại sử dụng không hiệu quả, nếu không muốn nói là lãng phí. Có cơ quan giao đề tài cho các nhà nghiên cứu nhưng cũng chẳng biết những đề tài ấy để làm gì, do vậy đề tài hoàn thành chỉ để… cho vào ngăn kéo. Nhưng có lẽ đáng buồn nhất là môi trường kinh tế xã hội Việt Nam chưa tạo ra động lực cho sáng tạo khoa học công nghệ. Với một nền kinh tế gia công, lắp ráp, bán tài nguyên là chính cộng với lối tư duy "mỳ ăn liền" - mua trang thiết bị của nước ngoài của hầu hết doanh nghiệp, thì phát minh, sáng chế không phải là nhu cầu bức thiết. Chúng ta khuyến khích phát triển khoa học công nghệ nhưng lãng quên các nhà sáng chế, liệu có mang lại thành công? Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ, nhưng hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa không nhiều là vì vậy.
Người dân Việt Nam nói chung và giới khoa học công nghệ nói riêng kỳ vọng Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, sẽ tạo ra những đột phá mới đưa nền khoa học công nghệ Việt Nam phát triển xứng tầm với trí tuệ và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu nghị quyết của Đảng được thực hiện một cách nghiêm túc, chắc chắn thế hệ người Việt Nam hôm nay không còn đau lòng khi phải xuất khẩu "của để dành" cho con cháu, không canh cánh lo đất nước trở thành "bãi thải công nghệ của thế giới"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.