(HNM) - Sau mỗi vụ tai nạn hàng không, việc tìm kiếm hộp đen, một thiết bị ghi lại dữ liệu của chuyến bay luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Chiếc hộp đen, công cụ quan trọng giúp điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay đã trở thành khái niệm quen thuộc.
David Warren và chiếc hộp đen do ông chế tạo. |
Sinh năm 1925 tại Groote Eylandt ở Vịnh Carpentaria, Bắc Australia. Cậu bé gốc Âu đầu tiên chào đời tại vùng đất xa xôi này từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục khá đầy đủ. David Warren theo học tại Sydney từ năm 4 tuổi và ở thành phố này suốt 12 năm sau đó. Năm 1934, cha của David thiệt mạng vì một trong những tai nạn máy bay đầu tiên ở Australia khi chiếc máy bay Miss Hobart mất tích ở Bass Strait. Món quà cuối cùng dành cho cậu con trai yêu quý là một chiếc máy thu thanh nhỏ mà David thường nghe mỗi khi ánh đèn tại ký túc xá đã tắt và kể từ đó cậu có mối quan tâm đặc biệt tới các thiết bị điện tử. Chế tạo radio đã trở thành niềm ham thích của cậu học trò nhỏ và khích lệ David theo đuổi con đường này. Tuy nhiên, chiến tranh khiến lệnh cấm chế tạo radio từ những nhà sáng chế nghiệp dư có hiệu lực đã ngăn cản niềm mơ ước đó. David chuyển sang ngành hóa học song những đam mê về lĩnh vực điện tử vẫn chưa rời bỏ ông.
Năm 1953, David tham gia cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn của chiếc máy bay phản lực đầu tiên trên thế giới. Ông cho rằng việc ghi lại thông tin và những cuộc hội thoại trong buồng lái sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải đáp những câu hỏi khó khăn nhất để tìm ra nguyên nhân tai nạn. Ý tưởng này đã thôi thúc ông quyết định nghiên cứu chế tạo thiết bị được cho là rất viển vông, nhằm chứng minh cho lập luận táo bạo của mình. Chiếc hộp đen đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1956 có cấu trúc khá đơn giản. Nó gồm một sợi thép mỏng như thường thấy trong các thiết bị âm thanh dây thời đó, được từ hóa nhờ một đầu điều khiển bằng điện. Thiết bị này có thể ghi lại các cuộc hội thoại của phi công và những thông tin hướng dẫn bay trong suốt 4 giờ. Cứ sau 4 tiếng băng ghi chép lại hoạt động từ đầu và được đặt trong một chiếc hộp có khả năng chịu va đập rất lớn. Mặc dù đã được minh chứng bằng thực tiễn, song phải 5 năm sau đó, ý tưởng của David mới được chấp nhận. Cũng phải mất thêm 5 năm nữa, giá trị của chiếc hộp đen mới được nhà chức trách tính đến và Australia trở thành quốc gia đầu tiên lắp đặt hộp đen để ghi thông tin chuyến bay. Sau Australia, nhiều nước khác cũng bắt đầu sử dụng phát minh này và cho đến nay, hộp đen đã trở thành thiết bị bắt buộc trên tất cả các máy bay.
Với phát minh mang tính đột phá đó, năm 2002, David Warren được tặng thưởng Huân chương Australia - giải thưởng nhà nước cao quý nhất và trở thành đại diện duy nhất của Australia có tên trong danh sách 10 thiên tài đương đại.
Trải qua nhiều cải tiến của các thế hệ khoa học gia kế tiếp, chiếc hộp đen hiện đại bao gồm hai thiết bị lưu các số liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái, có thể ghi lại 300 dữ liệu của chuyến bay từ tốc độ, độ cao, hướng bay, gia tốc thẳng đứng đến những cuộc trao đổi giữa phi hành đoàn phi công và liên lạc qua radio với mặt đất. Dù được gọi là hộp đen nhưng thực chất chúng được sơn màu da cam để dễ nhận biết và có thể tự phát tín hiệu báo vị trí. Sự ra đời của hộp đen là một đóng góp lớn cho ngành công nghiệp hàng không thế giới. Nhờ đó, bí mật của nhiều vụ tai nạn máy bay đã không chìm trong bóng tối. Việc xác định nguyên nhân thảm họa giúp con người hiểu biết hơn trong lĩnh vực này để giúp giấc mơ bay ngày càng trọn vẹn và David Warren là người chắp cánh cho giắc mơ kì diệu đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.