(HNM) - Vừa rồi, thông tin gây ngạc nhiên, làm văn giới xốn xang là việc Trung tâm Quyền tác giả văn học - VLCC (Hội Nhà văn Việt Nam) mời hơn 100 tác giả, đại diện gia đình tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa tới nhận nhuận bút do NXB Giáo dục thanh toán.
Nhận dăm trăm ngàn, năm, mười triệu hay cao nhất là hai mươi sáu triệu là điều phấn khởi, đã đành nhưng mặt khác, sự kiện này đánh dấu sự gặp nhau của hai phía sau những cuộc trao đổi lắm khi căng như dây đàn giữa NXB và Trung tâm Quyền tác giả văn học. Nói cách khác, sự gặp nhau giữa các bên trong bối cảnh "văn minh bản quyền" được áp dụng một cách khá vất vả, lúng túng ở ta, là điều khiến tất cả vui mừng.
Nhà văn đến ký tên lấy tiền, chuyện cứ rôm rả, nào về ý thức tôn trọng bản quyền, về quá trình thảo luận, đấu tranh về cách tính nhuận bút hợp lý, chưa hợp lý... Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định kết quả và nỗ lực gây ngạc nhiên của VLCC, chỉ ra nhiều điều còn "vô lý" trong bảo vệ quyền tác giả nhưng cũng thẳng thắn nêu rõ "một số báo nói NXB quỵt nhuận bút hoặc bây giờ mới trả là oan cho họ". Ông dẫn ra tên tuổi các biên tập viên đã gửi sách, gửi tiền cho mình trước đây...
Nhiều nhà văn khác như Trần Quốc Toàn thì lên tiếng cảm ơn VLCC đã mang hợp đồng bản quyền đến... tận quán bia cho nhà văn ký, rồi cũng ông từng nhận bưu phẩm sách của NXB có kẹp tiền gửi qua đường bưu điện... Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - người đứng đầu VLCC băn khoăn vì "tiền nhuận còn ít..." nhưng nhiều nhà văn bảo "ít nhiều với nhà văn cũng khó nói" và coi đây như một thành công bước đầu, một nguồn động viên lớn với người cầm bút.
Nói chung, trong không khí phấn khởi, các nhà văn bày tỏ sự chia sẻ nhiều hơn là lý lẽ...
Tác quyền trong văn học và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác là vấn đề còn phải phấn đấu dài dài. Nhưng cách ứng xử đúng đắn, hài hòa sẽ góp phần giúp các bên xích lại gần nhau. Đồng tiền là quyền lợi mà cũng là câu chuyện nghĩa tình!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.