(HNMO) - Ngày 21-8, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức tọa đàm bàn tròn Hợp tác Chính phủ - doanh nghiệp về đẩy lùi bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Theo Cục Thú y, tính đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7.000 xã của 62 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước (Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa có ổ dịch). Tổng số lợn phải tiêu huỷ là 4 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại Việt Nam. Đến nay, tổng đàn lợn của Việt Nam khoảng 32 triệu con, đứng đầu các nước ASEAN và thứ 2 châu Á. Chăn nuôi lợn dần hình thành các chuỗi giá trị, nhưng ngành chăn nuôi lợn cũng đứng trước nhiều nguy cơ từ dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman cho hay, Hà Lan là quốc gia nhỏ với dân số khoảng 17 triệu người; mật độ chăn nuôi rất lớn, phần lớn là quy mô trang trại. Hà Lan cũng từng có ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại hàng triệu euro và đã được xử lý triệt để.
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực này, các chuyên gia về thú y của Hà Lan cho rằng, ngoài xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn. Chính sách thú y ở Hà Lan là bảo vệ sức khỏe con người và động vật; phát triển ngành chăn nuôi bền vững, tạo lợi nhuận; thương mại an toàn (không xuất, nhập khẩu động vật bệnh). Đặc biệt, tại Hà Lan, nông dân phải chịu trách nhiệm chính về sức khỏe của động vật; Bộ Nông nghiệp Hà Lan đưa ra các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Chính phủ Hà Lan có trách nhiệm ngăn ngừa sự xuất hiện của dịch bệnh; kiểm tra nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu; quy định về vệ sinh, tiêu độc khử trùng, quy trình vận chuyển…
Những chia sẻ của các chuyên gia thú y Hà Lan đã gợi mở nhiều vấn đề cho Việt Nam trong xây dựng chính sách thú y, bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.