Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chìa khóa” xác lập lợi thế cạnh tranh

Xuân Lộc| 30/09/2011 06:48

(HNM) - Sự thiếu hụt các điểm dịch vụ đạt chuẩn cũng như chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ... vẫn là vấn đề đáng lo ngại của ngành "công nghiệp không khói".

Trước thực tế đó, Sở VH,TT&DL Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn để phục vụ du khách, tập trung vào lĩnh vực ăn uống và mua sắm. Đây được xem như chìa khóa mở ra hướng phát triển mới, đồng thời tăng chất lượng cho du lịch Thủ đô.

Thừa tiềm năng, thiếu dấu ấn

Từ đầu năm đến nay, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng được 6 cơ sở đạt chuẩn phục vụ ăn uống, có gắn biển hiệu, trong đó có 5 cơ sở thuộc chuỗi Hapro và một cơ sở Bách Giai tại Gia Lâm. Bước đầu, các cơ sở này đã nhận được sự quan tâm và trở thành địa chỉ tin cậy của khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Thế nhưng số đơn vị đạt chuẩn như trên không nhiều, trong khi các cơ sở tự phát, nhỏ lẻ mọc lên như nấm khiến du khách lúng túng không biết sản phẩm dịch vụ nào tốt.

Hà Nội là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế. Ảnh: Bảo Lâm

Về nước với mong muốn được khám phá các di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng, nhất là thưởng thức những món ngon của đất Thăng Long nghìn tuổi, ông Lưu Văn Dũng (Việt kiều Canada) cảm thấy tiếc khi bản sắc văn hóa ẩm thực đặc sắc nơi đây chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ông dẫn chứng, đặt chân đến Hà Nội, đâu đâu cũng thấy quán hàng với vô số món ngon. Từ những địa chỉ sang trọng, hàng ăn tràn ra vỉa hè, rong ruổi trên từng con phố, chui vào tận ngõ sâu, chen chúc... Hoa mắt trước các loại hàng quán, sự phong phú về món ăn, mỗi loại mang hương vị riêng, từ phở, bún riêu cua, bún ốc đến bún thang, xôi gà, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây, bánh cốm, nem cuốn... khiến du khách khó có thể quên. Tuy vậy, thế mạnh tiềm năng ẩm thực rất khó phát huy bởi những hạn chế về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Những việc nhỏ tại nhiều quán ăn, như người bán hàng không dùng găng tay để lấy thức ăn; bàn ghế, bát đũa thiếu sạch sẽ... khiến du khách không hài lòng. "Nhiều nhà hàng ở Thủ đô chưa tạo được dấu ấn, đặc trưng riêng, chưa để lại ấn tượng mạnh trong tâm trí của du khách", ông Lưu Văn Dũng nói.

Theo nhận xét của một số hãng lữ hành lớn trên địa bàn Thủ đô, không ít nhà hàng thiếu điều kiện kinh doanh cơ bản như bãi đỗ xe, không gian bí bức, cảnh quan không phù hợp khiến việc tổ chức những tour đông khách, tour cho khách sang gặp khó khăn. Một số điểm kinh doanh chỉ tập trung chăm chút cho khu trưng bày, bán hàng sạch đẹp, ít quan tâm đến khu vực nhà vệ sinh, nơi nghỉ chân của khách... Mặt khác, chủ nhà hàng phần lớn làm theo kinh nghiệm, thiếu bài bản, ít quan tâm đổi mới, bổ sung thêm món ăn. Sự dở nữa là về nguồn nhân lực tham gia dịch vụ, nếu so với các tỉnh, thành phố phía Nam thì thua xa về tính chuyên nghiệp, kém cả về ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ, ứng xử. Kết quả khảo sát về các cơ sở mua sắm do Sở VH,TT&DL Hà Nội thực hiện còn cho thấy các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp không nhiều.

Những hạn chế nói trên đã làm giảm uy tín, thương hiệu và hiệu quả kinh doanh. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến du lịch Thủ đô không thể bứt phá.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Những năm gần đây, mức độ tiêu dùng của du khách có chiều hướng tăng lên. Ngày càng nhiều du khách có khả năng chi trả cao chọn Việt Nam là điểm đến. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa dịch vụ ăn uống và mua sắm trên địa bàn Thủ đô sẽ giúp các doanh nghiệp bảo đảm chất lượng phục vụ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn hóa các cơ sở dịch vụ, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng, sự chi tiêu của khách, đặc biệt là về ăn uống và mua sắm trong mỗi chuyến hành trình sẽ góp phần tăng doanh thu cho cộng đồng, giúp ích cho mục tiêu phát triển của kinh tế Thủ đô. Chính vì vậy, việc xây dựng các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách đang được những người tâm huyết với du lịch Thủ đô tích cực triển khai, dựa trên các tiêu chí về sản phẩm phục vụ khách, nhân sự, vị trí, kiến trúc, trang thiết bị, cách tổ chức phục vụ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy...

Hy vọng trong thời gian ngắn, bộ tiêu chí này sẽ được ứng dụng rộng rãi, góp phần giúp các cơ sở kinh doanh và nhà quản lý có thêm một công cụ để kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Sở VH,TT&DL Hà Nội, lộ trình chuẩn hóa các cơ sở dịch vụ phục vụ du khách sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn I (năm 2011-2012): Thông báo rộng rãi về bộ tiêu chuẩn cấp biển hiệu đạt chuẩn. Sau đó, ngành du lịch Thủ đô phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế và UBND các quận, huyện tiến hành tổng rà soát tất cả cơ sở ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch trên địa bàn và thí điểm tiếp nhận hồ sơ, cấp biển hiệu đạt chuẩn cho các đơn vị. Giai đoạn II (năm 2013): tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp và bán hàng; kiểm tra các cơ sở kinh doanh đã cấp biển và xử phạt nếu có sai phạm...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chìa khóa” xác lập lợi thế cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.