(HNM) - Dù đã triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lao động và cuộc sống của trẻ trong tương lai...
Bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết góp phần giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. |
Để lại nhiều hậu quả…
Tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Nguyễn Thị H... (20 tuổi ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chuyển đến sống cùng bác ruột ở Hà Nội với mong muốn tìm việc làm tại một công ty may. Thế nhưng, khi nộp hồ sơ, chị đã bị loại ngay từ vong sơ tuyển, bởi lý do quá thấp bé. Dù đã 20 tuổi, nhưng chị H... chỉ nặng có 37kg với chiều cao khiêm tốn 1m47. Lý do bộ phận tuyển dụng từ chối nhận là e ngại sức khỏe của chị không đủ để đảm nhận công việc.
Tương tự, tốt nghiệp đại học loại khá, thời sinh viên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, năng nổ trong các phong trào, đam mê, nhiệt huyết với ngành học..., thế nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để chị Trần Phương A... (23 tuổi, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) tìm được một công việc phù hợp. Lý do là bởi chị chỉ cao 1m45, nặng chưa đến 36kg. Chị kể, có cán bộ tuyển dụng còn trả lời thẳng thừng, về bằng cấp, khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ của chị thì ổn, nhưng nhìn vóc dáng, thể chất của chị, sợ không đủ chịu nổi áp lực công việc…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), những trường hợp này chính là hậu quả từ tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ bị hụt ít nhất 10cm chiều cao ở giai đoạn trưởng thành. Ngoài ra, các trẻ suy dinh dưỡng thường không đủ thể lực để tham gia các hoạt động thể chất, học tập. Thậm chí, rào cản nhận thức, tiếp thu kém, thể chất không khỏe mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động sau này.
Thế nhưng, dù đưa ra nhiều giải pháp, song tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam thời gian qua giảm không đáng kể. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 24,6%, đến nay, con số này vẫn ở mức 24,3%. Tỷ lệ này tương ứng, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi, thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi và có sự khác biệt giữa các vùng miền (một số tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi lên đến hơn 30%). Điều đó lý giải vì sao chiều cao trung bình của nam và nữ nước ta tương ứng là 1m64 và 1m53, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (1m70 ở nam và 1m59 ở nữ), Nhật Bản (1m72 ở nam và 1m58 ở nữ), Singapore (1m71 ở nam và 1m60 ở nữ)…
GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời. Hiện khẩu phần của trẻ em nước ta chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kiến thức dinh dưỡng cho trẻ cũng là một lỗ hổng lớn trong mỗi gia đình. Không ít bà mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nuôi con, dẫn đến những cách chăm sóc sai lầm, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý...
Phải chăm lo từ… gốc
Cân bằng thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn để trẻ phát triển toàn diện. |
Đề cập đến tầm quan trọng của canxi trong sự phát triển của trẻ, bà Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, 99% canxi trong cơ thể nằm ở xương và răng, 1% còn lại lưu thông trong máu để giữ đều nhịp tim, giãn cơ, dẫn truyền xung động thần kinh, tham gia vào yếu tố đông máu... Trẻ thiếu canxi sẽ bị còi xương, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Còn vitamin D là chất dẫn truyền để canxi đi vào cơ thể trẻ dễ hơn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là “chìa khóa” giúp trẻ thu nhận được lượng canxi tối ưu để cao khỏe hơn. Muốn làm được điều này, cha mẹ cần hạn chế những loại thực phẩm khiến “thất thoát” canxi. Chẳng hạn như uống nhiều nước ngọt có ga, ăn quá nhiều chất đạm, ăn mặn... sẽ làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu của trẻ. Mặt khác, lưu ý bổ sung vitamin D, canxi từ sữa và các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, trong bữa ăn của trẻ cần tăng cường thực phẩm “giữ” canxi như: Rau ngót, rau cải xanh, bưởi, cam...
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, muốn giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cần phải chăm lo từ gốc. Các gia đình cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng đầu đời của trẻ, tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi. Đặc biệt, bà mẹ thời kỳ mang thai cần ăn đủ chất đạm như thịt, cá, trứng..., bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết: Axit folic, sắt, canxi… Phát triển của thai nhi về chiều dài đạt cao nhất vào tuần thứ 15 của thai kỳ, trong khi cân nặng đạt mức cao nhất từ tuần 32 đến tuần 35. Do vậy, tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước và trong khi mang thai có ý nghĩa quyết định tới chiều cao của đứa trẻ sau này.
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, suy dinh dưỡng ở trẻ em không chỉ làm chậm sự phát triển về thể chất, mà còn là gánh nặng của gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Chính vì vậy, Viện Dinh dưỡng quốc gia tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường truyền thông về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng ngay tại hộ gia đình. Mặt khác, xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù. Đồng thời, triển khai các chương trình bổ sung vi chất, vitamin cần thiết cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú… và huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa công tác phòng, chống suy dinh dưỡng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 1% chiều cao giảm đi sẽ tương ứng với 1,4% năng suất lao động, học tập của cá nhân đó. Với những trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi khi trưởng thành có thu nhập ít hơn 20% so với những người bình thường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.