(HNM) - Trong các giải pháp được nói đến để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, công tác tuyên truyền luôn được nhấn mạnh. Theo báo cáo hằng năm về TTATGT của các địa phương, các ngành từ tuyên truyền, giáo dục, ý thức người tham gia giao thông đã được nâng lên một bước. Nhưng không biết đến khi nào "ý thức ấy" mới đủ để người ta yên tâm về an toàn giao thông...
Tại hội nghị đánh giá công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm do Bộ Công an (CA) tổ chức, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH cho biết thời gian qua, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao về nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và của xã hội về bảo đảm TTATGT. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền về TTATGT, có nhiều mô hình và cách làm hay trong công tác tuyên truyền.
Đây là một đánh giá không sai nếu nhìn vào những việc mà các cấp, ngành, chính quyền đã cố gắng thực hiện. Như ở Hà Nội, nhiều năm qua, công tác tuyên truyền về TTATGT luôn được chú trọng. Nhưng thực tế là những vi phạm về TTATGT chưa giảm, số trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Nghĩa là, dù tuyên truyền nhiều và không phải không có hiệu quả, ý thức người tham gia giao thông mỗi kỳ tổng kết lại được "nâng lên một bước", nhưng những "bước" đó quá nhỏ, còn xa mới đủ để tiến đến văn hóa, văn minh giao thông và an toàn giao thông.
Tuyên truyền về TTATGT đã được Chính phủ hết sức quan tâm, nhưng dường như công tác này chỉ được một số ngành liên quan triển khai, với sự góp sức của một vài đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên. Nhiều cơ quan có trách nhiệm còn thờ ơ với việc giữ gìn TTATXH, coi đó không phải là việc của mình. Chẳng hạn, với quy định gửi thông báo vi phạm TTATGT đến các đơn vị, địa phương có người vi phạm theo quy định tại Thông tư số 38 của Bộ CA, 6 tháng đầu năm nay, CATP Hà Nội đã gửi đi 42.784 thông báo. Kết quả là chỉ nhận được 661 phản hồi, bằng 1,55% số thông báo đã phát đi. Việc xử lý sau khi thông báo về cơ quan, địa phương càng "mờ mịt"...
Một cách làm khác để tạo bước chuyển mạnh trong nhận thức là tuyên truyền kết hợp với xử phạt, răn đe. Từ đầu tháng 8 đến nay, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (CATP Hà Nội) tăng cường xử lý các hành vi vi phạm TTATGT của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Khám nghiệm, tuyên truyền xử lý vi phạm của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, những năm trước đơn vị đã phối hợp với Sở GD-ĐT, các trường THPT tổ chức tuyên truyền, kết hợp với ghi hình xử phạt nguội học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, có tác dụng răn đe, giáo dục nhưng trên thực tế, số học sinh, sinh viên vi phạm vẫn còn khá nhiều. Trong thời điểm này, bên cạnh những biện pháp mang tính giáo dục, Phòng CSGT sẽ xử lý nghiêm khắc để tạo sự răn đe đối với người vi phạm. Những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm đều được thông báo về nhà trường, gia đình và phải có xác nhận của những nơi này mới được giải quyết...
Tóm lại, tuyên truyền là biện pháp không thể thiếu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Tuy nhiên, để biện pháp này thực sự hiệu quả, việc đổi mới hình thức tuyên truyền, trong đó có việc kết hợp tuyên truyền với các hình thức xử lý, răn đe khác là điều cần thiết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp ngành, nhất là cơ quan, địa phương cơ sở. Có như vậy mới tạo được chuyển biến rõ nét trong nhận thức, tạo bước tiến dài, từng bước hình thành nền nếp và văn hóa giao thông.
BCĐ 197 TP Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã vận động gần 14.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia bảo vệ các công trình giao thông, hành lang giao thông; duy trì hoạt động của 18 câu lạc bộ phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông, mô hình cam kết đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông. Thành đoàn Hà Nội đã thành lập 100 đội hình thanh niên tình nguyện với gần 1.000 bạn trẻ, phối hợp với CSGT chỉ huy giao thông... Lực lượng CSGT cũng đã thí điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến một số trường học; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về TTATGT cho hàng trăm nghìn lượt người nghe... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.