(HNM) - Là cơ quan đồng quản lý phần vốn nhà nước, Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ pháp lý để yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt vào NSNN...
Là cơ quan đồng quản lý phần vốn nhà nước, Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ pháp lý để yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt vào NSNN. Trong khi đó, các ngân hàng cũng có lý do chính đáng để bảo vệ quan điểm trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Bên đòi chia, bên muốn giữ
Sau đại hội cổ đông diễn ra cuối tháng 4-2016, BIDV quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 8,5%, còn VietinBank quyết định không chi cổ tức để tạo nguồn tăng vốn điều lệ theo hiệp ước quốc tế. Với phần vốn nhà nước tại VietinBank là 64,46%, tại BIDV hơn 95,28%, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV, VietinBank chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ vào NSNN.
Với việc VietinBank và BIDV chi trả cổ tức bằng tiền mặt, ngân sách sẽ thu về khoảng 4.600 tỷ đồng. |
Trong bối cảnh nguồn thu NSNN ngày càng eo hẹp, việc yêu cầu hai ngân hàng BIDV và VietinBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp ngân sách thu về khoảng 4.600 tỷ đồng. Song, các ngân hàng cũng nêu những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Lý do các ngân hàng đưa ra là để tuân thủ Hiệp ước vốn Basel (Hiệp ước về củng cố và nâng cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế), họ phải khẩn trương tăng vốn nhằm bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR). VietinBank đề nghị hai cách: Chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc Nhà nước thoái bớt vốn sở hữu tại VietinBank. BIDV cũng đề xuất, để bảo đảm hệ số CAR, Chính phủ và các bộ, ngành cần nhất quán trong chính sách, cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước để lại cổ tức, thặng dư; cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư để làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng. Bên cạnh đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mặt, BIDV còn kiến nghị đẩy mạnh cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng.
Việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN), trong đó có VietinBank và BIDV, lâu nay vẫn thực hiện trên tinh thần các bộ phối hợp. Còn theo Luật DN, đối với các DN đã cổ phần hóa, quyền định đoạt cao nhất thuộc về đại hội đồng cổ đông. Nhận xét về câu chuyện chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cơ quan quản lý dường như vẫn chưa quen với cách thức quản lý DN cổ phần, Nhà nước không còn nắm giữ 100% vốn như trước. Khi đã cổ phần hóa, sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả với vai trò quản lý chuyên ngành hay quản lý phần vốn tại các DN, đều phải tôn trọng các luật định, đặc biệt là nghị quyết của đại hội cổ đông.
Phải nộp cổ tức về ngân sách
Đó là khẳng định của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) về việc chi trả cổ tức tại BIDV và VietinBank. Bởi, theo Luật Quản lý - Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, cổ tức từ các DN thuộc NSNN, nên Bộ Tài chính yêu cầu các DN phải nộp về. Mặt khác, việc chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu phải được đại hội cổ đông thông qua, trong đó người đại diện vốn nhà nước tại DN cổ phần bỏ phiếu theo tỷ lệ, phải thực thi theo đúng quy định của luật về quyền của chủ sở hữu nhà nước. Trường hợp không chia cổ tức bằng tiền mặt thì phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê chuẩn, làm cơ sở để bỏ phiếu tại đại hội cổ đông, khi đại hội thông qua mới được thực hiện.
Từ góc độ DN cổ phần, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ, trong đó có vốn nhà nước tại DN bằng cổ tức, cũng phải được sự phê duyệt của chủ sở hữu nhà nước (theo quy định là Ngân hàng Nhà nước, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ); được thực hiện thông qua người đại diện vốn nhà nước bỏ phiếu quyết định tăng vốn hay không, tại đại hội cổ đông. “Các ngân hàng của Việt Nam hiện nay quy mô vốn quá nhỏ so với khu vực, nên nhu cầu tăng vốn là có, nhưng giữ lại cổ tức không phải là giải pháp căn cơ, vì số cổ tức này không đáng bao nhiêu so với nhu cầu. Việc tăng vốn cần phải có giải pháp mạnh hơn, như phát hành thêm cổ phiếu, giảm tỷ lệ vốn nhà nước, chứ không thể giữ nguyên quy mô, tăng nhỏ giọt theo cổ tức” - ông Tiến nhấn mạnh.
Bộ Tài chính đã nêu rõ quan điểm, căn cứ pháp lý. Song thực tế, với những lĩnh vực không quá nhạy cảm, không ảnh hưởng nhiều đến an ninh, quốc phòng, việc đẩy mạnh thoái vốn và tăng quyền tự quyết cho DN là phù hợp với xu thế. Với việc sở hữu vốn chi phối tại 3 ngân hàng TMCP lớn là VietinBank (64%), Vietcombank (77%) và BIDV (95%), việc thoái bớt vốn nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các định chế tài chính nước ngoài tham gia quản trị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tăng vốn điều lệ đáp ứng theo tiêu chuẩn Hiệp ước vốn Basel.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.