Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi tiết 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19

Thu Trang| 23/02/2021 06:00

(HNMO) - Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1210/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do Covax Facility hỗ trợ.

Theo đó, có 11 nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên, trong đó nhân viên y tế đứng đầu tiên. Mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước và 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

11 nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin Covid-19

Chương trình Covax Facility sẽ cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng miễn phí để tiêm cho khoảng 15-16% dân số của 92 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vắc xin do Covax Facility cung ứng cho Việt Nam trong quý I, quý II-2021 là vắc xin do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất cung ứng bởi SK Bioscience (SKBio) có điều kiện bảo quản 2-8 độ C. Ngày 29-1-2021, Covax Facility có thư về việc phân bổ khoảng 4,8 triệu liều vắc xin của AstraZenecca sản xuất cho Việt Nam trong quý I, II-2021, số lượng phân bổ tiếp theo sẽ được Covax thông báo sau.

Vắc xin do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất sử dụng 2 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 21 ngày, tiêm bắp. Vắc xin này được hỗ trợ miễn phí nhập khẩu và nhập khẩu qua cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài hoặc thành phố Hồ Chí Minh, được thông quan ngay lập tức sau khi vắc xin về đến cửa khẩu hàng không, chuyển về kho quốc gia hoặc kho khu vực trước khi chuyển xuống các tuyến dưới.

Theo quyết định trên, có 11 nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng, chống dịch (Ban Chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; Những người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Trong 11 nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin, nhân viên y tế và nhân viên tham gia chống dịch được ưu tiên trước tiên. Do đó, theo kế hoạch, dự kiến trong quý I-2021 có khoảng 1,2 triệu liều, tương ứng với việc sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và khoảng 116.000 nhân viên tham gia phòng, chống dịch. Như vậy, dự kiến sẽ có hơn 600.000 nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được tiêm vắc xin Covid-19 trong tháng 3-2021.

Cũng theo kế hoạch, trong quý II-2021, Covax sẽ cung ứng khoảng 3,6 triệu liều, tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1.027.000 thành viên lực lượng quân đội, 304.000 thành viên lực lượng công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm vắc xin Covid-19.

Trong quý III, IV-2021, theo thông báo, Covax sẽ hỗ trợ khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người tiêm vắc xin Covid-19. Cụ thể, số lượng vắc xin này sẽ dành cho khoảng 750.000 giáo viên; 7,6 triệu người trên 65 tuổi; 1,93 triệu người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7 triệu người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.

Hơn 6.700 tỷ đồng để tiêm đủ 20% dân số

Theo Bộ Y tế, mục tiêu đưa ra, đó là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc xin phòng Covid-19 do Covax Facility hỗ trợ. Để thực hiện mục tiêu này cần nguồn kinh phí dự kiến là hơn 6.700 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí từ trung ương, địa phương và Covax, số kinh phí còn thiếu cần huy động là hơn 202 tỷ đồng.

Hiện, hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của Việt Nam gồm chủ yếu các thiết bị bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2 - 8°C, ước tính có thể bảo quản được khoảng 122 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong tháng 2 và tháng 3-2021, dự án tiêm chủng mở rộng xây dựng phương án tăng cường dây chuyền lạnh cho các tuyến nhằm bảo đảm đủ khả năng bảo quản và vận chuyển vắc xin phòng Covid-19 báo cáo Bộ Y tế và huy động sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng, trong đó có hơn 11.000 cơ sở tiêm chủng mở rộng và hơn 2.000 cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Hiện nay, nhân lực tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng. Tuy nhiên, vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, do vậy cán bộ tiêm chủng cần được tập huấn lại về việc sử dụng vắc xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng...

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.