Cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính cấp sở, cấp huyện giai đoạn 2023-2030: Công cụ đánh giá thực chất, khách quan

Hiền Thu 10/09/2023 - 07:08

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4190/QĐ-UBND (ngày 22-8-2023) về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030.

Đây là công cụ theo dõi, đánh giá thực chất và khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính hằng năm, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cơ sở.

giai-quyet-thu-tuc-hanh-chi.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam

Nhiều điểm mới

Từ năm 2021, thành phố Hà Nội sử dụng Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 (thay thế cho Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020) đã đánh giá một cách toàn diện các nội dung trong công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 có một số điểm không còn phù hợp về nội dung, tiêu chí đánh giá.

Cụ thể, mặc dù đã có tiêu chí gắn trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh (PAR Index, SIPAS, PAPI), nhưng tiêu chí này chưa được rõ nét; nhiều tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra có trọng số điểm chưa cao, chưa được đánh giá đầy đủ. Đặc biệt là Trung ương và thành phố có sự thay đổi trong yêu cầu, ưu tiên nội dung cải cách hành chính. Tuy nhiên, bộ Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ nguyên các tiêu chí và trọng số điểm.

Chưa kể, một số cơ quan, đơn vị cung cấp không đầy đủ tài liệu kiểm chứng quá trình tự chấm và quá trình giải trình thẩm định; công tác điều tra xã hội học phục vụ xác định Chỉ số cải cách hành chính hiện vẫn thực hiện thông qua phát phiếu trực tiếp nên còn nhiều ý kiến về tính khách quan; việc tổng hợp số liệu, kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính cần có thời gian, chưa kịp thời dẫn đến kết quả đánh giá cải cách hành chính năm nay là cơ sở đánh giá thi đua cho năm sau.

Từ thực tế đó, Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định, cần thiết ban hành bộ Chỉ số cải cách hành chính mới giai đoạn 2023-2030 thay thế bộ Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 đang áp dụng hiện nay. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường thông tin, điểm mới trong Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2023-2030 là: Bổ sung những tiêu chí mới bám sát đề án của Bộ Nội vụ về “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2030”, đặc biệt ở nội dung “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”. Điểm mới nữa là, lược bỏ một số tiêu chí mà 100% đơn vị đã đạt chỉ tiêu, các tiêu chí không rõ, khó định lượng hoặc thành phố không giao, không thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được đánh giá theo quy định mới; tinh gọn hơn số tiêu chí đánh giá; giảm mạnh các tiêu chí mang tính cảm tính, khó xác định.

Nghiêm túc triển khai

Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2023-2030 được cấu trúc thành 8 nội dung đánh giá: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong đó, Chỉ số cải cách hành chính áp dụng cho các sở, cơ quan tương đương sở (khối sở) gồm 117 tiêu chí (92 tiêu chí thẩm định, 25 tiêu chí điều tra xã hội học). Chỉ số cải cách hành chính áp dụng cho UBND các quận, huyện, thị xã (khối huyện) gồm 102 tiêu chí (80 tiêu chí thẩm định, 36 tiêu chí điều tra xã hội học).

Đến thời điểm này, nhiều đơn vị đã tiếp nhận Quyết định số 4190/QĐ-UBND của UBND thành phố và giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu, triển khai các công việc liên quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, các đơn vị đánh giá, bộ Chỉ số cải cách hành chính của sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030 có nhiều ưu điểm và đang nghiêm túc triển khai phần việc của cơ quan, đơn vị mình.

UBND quận Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị nhanh chóng triển khai khi ngày 30-8-2023 đã ban hành Công văn số 1449/UBND-NV về việc thực hiện Quyết định số 4190/QĐ-UBND ngày 22-8-2023 của UBND thành phố Hà Nội. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho rằng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, UBND quận yêu cầu thủ trưởng các đơn vị gửi báo cáo về UBND quận qua Phòng Nội vụ trước ngày 30 hằng tháng để tổng hợp báo cáo tại cuộc họp thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Tương tự, UBND quận Hà Đông cũng đã giao Phòng Nội vụ tham mưu việc triển khai quyết định. Trước những điểm mới của Quyết định số 4190/QĐ-UBND, các sở, quận, huyện đang chờ Sở Nội vụ ban hành hướng dẫn để việc triển khai thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đánh giá thực chất, khách quan chất lượng cải cách hành chính của mỗi đơn vị, địa phương.

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) Nguyễn Công Bằng:
Thuận lợi cho việc đánh giá thi đua

t3-ykien-nguyen-cong-bang.jpg

Cải cách hành chính nội dung đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Thành phố Hà Nội đã coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị và đưa vào trong đánh giá, bình xét thi đua cuối năm đối với các đơn vị trên địa bàn. Tuy nhiên, trước đây, vì Chỉ số cải cách hành chính thường có kết quả vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm nên Ban Thi đua - Khen thưởng đã đề xuất Sở Nội vụ cần đánh giá Chỉ số cải cách hành chính sớm hơn.

Năm 2023, thành phố ban hành Quyết định số 4190/QĐ-UBND và dự kiến ngay từ đầu năm sẽ công bố kết quả của năm trước. Việc triển khai sớm sẽ thuận lợi cho việc đánh giá thi đua. Theo đó, cần có cơ chế theo dõi kết quả thường xuyên, để sau khi kết thúc năm công tác, khoảng tháng 1, tháng 2 hằng năm có kết quả đánh giá cải cách hành chính. Có kết quả sớm sẽ giúp các đơn vị rút kinh nghiệm, đưa ra các mục tiêu, giải pháp khi xây dựng chương trình công tác năm, từ đó triển khai thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Lợi:
Rất kịp thời và phù hợp

t3-ykien-nguyen-van-loi.jpg

Tôi cho rằng, bộ “Chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030” rất kịp thời, phù hợp cả về nội dung và thời điểm. Trong đó, ưu điểm là các tiêu chí mang tính định tính đã được bỏ bớt đi, thay bằng tính định lượng, bảo đảm khách quan, công bằng giữa các đơn vị. Cùng với đó, các tiêu chí mà các đơn vị đã thực hiện tốt được bỏ đi, thay bằng các tiêu chí mới sẽ thôi thúc được các đơn vị phải cố gắng phấn đấu hoàn thành để đạt các mục tiêu trong công tác cải cách hành chính.

Huyện Thanh Trì đang phân loại các tiêu chí thành phần trong bộ Chỉ số cải cách hành chính để phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn của huyện phụ trách các tiêu chí này chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, chuẩn bị các tài liệu kiểm chứng, tự đánh giá.

Dự kiến, ngày 15-9-2023, huyện sẽ ban hành công văn về nội dung này, đẩy lên hệ thống xử lý văn bản của huyện, gửi các phòng, ban, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để triển khai thực hiện.

Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Dương:
Sát hơn, tinh gọn hơn

t3-ykien-nguyen-van-duong.jpg

Bộ chỉ số mới rất cải tiến khi bỏ tiêu chí về triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người dân đăng ký trả kết quả qua dịch vụ bưu chính rất thấp, nhà gần quận nên người dân thường tự đến lấy kết quả. Trước đây, điều tra xã hội học được triển khai qua bưu điện, còn với bộ Chỉ số cải cách hành chính này có đổi mới là thực hiện phương thức khảo sát trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính áp dụng cho UBND các quận, huyện, thị xã cũng sát hơn, tinh gọn hơn khi gồm 102 tiêu chí.

UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành công văn, giao nhiệm vụ cho từng phòng. Đồng thời, quận tiếp tục duy trì hằng tháng, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số của quận họp giao ban vào thứ hai tuần đầu tiên của tháng để các đơn vị báo cáo tình hình. Chủ tịch UBND quận chủ trì và Phòng Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp tất cả các nội dung, nêu ra những khó khăn, tồn tại, vướng mắc ở đâu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Năm 2022, quận Hai Bà Trưng xếp thứ 29/30 nên năm nay quận sẽ triển khai sát sao, quyết tâm cải thiện vị trí xếp hạng.

Phong Thu ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số cải cách hành chính cấp sở, cấp huyện giai đoạn 2023-2030: Công cụ đánh giá thực chất, khách quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.