(HNMO) - Sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách một con, giờ đây, các nhà chức trách Trung Quốc đang đau đầu tìm biện pháp nâng cao tỷ lệ sinh khi nhiều gia đình ngại sinh con thứ hai do chi phí nuôi con quá đắt đỏ.
Chen Huijuan hiện đang sống tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Là một giáo viên trung học, mỗi tháng thu nhập của cô vào khoảng 730 USD, trong khi thu nhập hằng tháng của chồng, nhân viên kinh doanh đang làm việc cho một công ty của Mỹ ở Thượng Hải, khoảng 2.500 USD. Vợ chồng cô hiện có một cậu con trai 2 tuổi tên là Xiyan.
Cô giáo Chen Huijuan và con trai. |
Chen cho biết, chi phí để nuôi con hiện tại chiếm khoảng 1/3 thu nhập của hai vợ chồng. “Tôi không bao giờ có ý định sinh con thứ hai, bởi chi phí nuôi con quá đắt đỏ”, Chen nói.
Khó khăn về tài chính mà vợ chồng Chen gặp phải nếu sinh con thứ hai cũng là vấn đề mà nhiều gia đình trung lưu Trung Quốc đang phải đối mặt, khi chi phí nuôi con chiếm phần lớn thu nhập.
Những đứa trẻ triệu đô
Theo các chuyên gia và nhiều bậc phụ huynh, chi phí nuôi con ngày càng cao là do mức sống của người dân được nâng cao, trong khi niềm tin vào các sản phẩm nội địa lại giảm sút.
Cô giáo Chen là một ví dụ. Cô cho biết luôn lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu với mức giá khá cao từ các thương hiệu của nước ngoài. Năm 2008, bê bối sữa bẩn khiến 6 trẻ em tử vong tại Trung Quốc đã khiến dư luận rúng động. Nỗi lo về chất lượng sữa bột cho trẻ em đã khiến Chen không ngại ngần chi tiền để mua sữa nhập ngoại cho con. Cô cũng lựa chọn thịt bò, cá hồi... nhập khẩu thay vì các sản phẩm nội địa.
Ngoài thực phẩm, Chen còn phải chi một khoản tiền khá lớn cho các chi phí giáo dục, giải trí và chăm sóc y tế cho con trai. Chen cho biết, tiền học phí tại trường mẫu giáo song ngữ của Xiyan là 737 USD/tháng, lớn hơn thu nhập mỗi tháng của mẹ, chưa kể chi phí chăm sóc y tế và bảo hiểm y tế cho Xiyan vào khoảng 2.200 USD/năm.
Chi phí mua thực phẩm, đồ chơi, chăm sóc y tế... cho trẻ chiếm phần lớn thu nhập của nhiều gia đình. |
Theo Phó Giáo sư Manhong Lai, Đại học Hong Kong, Trung Quốc, chính sách một con được duy trì trong suốt thời gian dài ở Trung Quốc đã khiến nhiều gia đình có thói quen tập trung mọi nguồn lực tốt nhất cho con cái mình.
“Cuộc đua vào các trường tốt luôn rất khốc liệt. Vì thế, nhiều gia đình luôn đầu tư cho việc học hành của con cái và không ngừng gia tăng sức ép đối với con”, bà Manhong Lai cho biết.
Không chỉ dừng lại ở các môn học cơ bản tại trường, hiện nay, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc còn mong muốn con được học thêm các môn nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống... mặc dù học phí các môn này không hề rẻ.
Fan Meng và chồng đều là công chức, hiện sống ở thủ đô Bắc Kinh và có một con gái 5 tuổi. Cô bé thích chơi nhạc cụ, trượt tuyết và bố mẹ thường chi một khoản tiền khá lớn để con theo đuổi các hoạt động mà cô bé ưa thích.
“Hiện nay, chi phí nuôi con rất đắt đỏ. Trẻ con bây giờ không giống như trước. Trước đây, chúng tôi chỉ học ở trường, còn bây giờ, con tôi có thể theo đuổi nhiều bộ môn mà nó ưa thích. Đối với tôi, có một con là đủ”, Fan Meng nói.
Đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh
Sau 4 thập kỷ duy trì chính sách một con, giờ đây, các nhà chức trách Trung Quốc lại đau đầu tìm các biện pháp gia tăng dân số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong năm 2018, tốc độ tăng dân số của nước này đã chậm lại, với chỉ 15,23 triệu trẻ sơ sinh chào đời, giảm khoảng 2 triệu trẻ so với năm 2017.
Trong năm 2017, có khoảng 240 triệu người trên 60 tuổi tại Trung Quốc, chiếm hơn 17% dân số và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên khoảng 30% dân số vào năm 2050, báo động nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng. Dân số già hóa nhanh có thể sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng gánh nặng cho các dịch vụ xã hội và gây sức ép lớn lên nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu chững lại.
Để khuyến khích các gia đình sinh con thứ hai, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp như hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ hay kéo dài thời gian nghỉ thai sản của các bà mẹ.
Tại tỉnh Hồ Bắc, các bà mẹ sẽ được miễn chi phí y tế khi sinh con thứ hai. Một số thành phố khác tặng tiền mặt khoảng 1.200 nhân dân tệ (180 USD) cho các gia đình sinh con thứ hai hoặc hỗ trợ tiền mua sữa cho bé.
Tuy nhiên, các giải pháp này dường như chưa thể tạo ra chuyển biến lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 50% các gia đình Trung Quốc khẳng định, không có ý định sinh con thứ hai, trong đó lý do phổ biến nhất vẫn là chi phí nuôi con quá đắt đỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.