(HNMO) – Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế nhà, đất chiều 25/5 nhận được nhiều đóng góp quanh việc có nên đưa nhà vào đối tượng chịu thuế hay không, đánh thuế nhà, đất như thế nào và với mức thuế suất như thế nào để hạn chế tình trạng đầu cơ, đưa giá đất về mặt bằng hợp lý.
Không đánh thuế người có 1 chỗ ở
Đó là quan điểm của các đại biểu Trần Du Lịch và Lê Quốc Dung - Thái Bình.
Theo đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh: "Luật thuế nhà, đất phải dùng công cụ tài chính để đánh vào đầu cơ, đánh vào người có nhiều nhà, đất và dùng nó để điều tiết xã hội để bình ổn thị trường bất động sản. Nếu mục tiêu như vậy thì những gì mà luật này đưa ra tiếp thu là không đạt được”.
Đại biểu Lịch cho rằng, Luật thuế nhà, đất bản chất là chúng ta “đánh” vào bất động sản, nhưng không “đánh” vào toàn dân, mà nhằm vào những người có nhiều nhà đất và đầu cơ nhà đất.
“Với thuế suất này thì dù có đánh thuế nhà nhưng một cán bộ có diện tích kiểu như nhà vườn do cha mẹ để lại thuộc định mức, nhà cấp 4, nhưng đất thuộc định mức theo thuế suất này vượt 3 lần định mức đánh thuế bằng người đầu cơ đất là không 0,1%. Như vậy ta đánh vào những người chỉ có 1 nhà ở dù cha mẹ để lại, dù cán bộ hưu trí nhưng thuế suất bằng người đầu cơ đất thì ta có chấp nhận được không?”, đại biểu Lịch đặt vấn đề.
Từ đó, đại biểu Lịch đề nghị, luật này chỉ đánh thuế đối với những người nhiều nhà, nhiều đất và đầu cơ nhà đất để bình ổn và giải quyết chính sách nhà ở.
Đại biểu Lịch cũng kiến nghị, do dự án luật này cũng không cải thiện nhiều so với Pháp lệnh đang có, nên với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ cần điều chỉnh một số điều khoản thuế suất và một vài điều cần thiết của Pháp lệnh thuế hiện hành để có thể thực thi ngay.
Về dự án Luật thuế nhà, đại biểu Lịch đề nghị “treo” lại và tiến hành điều tra nghiên cứu tình trạng sở hữu nhà ở hiện nay, đồng thời tiến hành một cuộc giám sát về tình trạng bỏ đất hoang hóa để có biện pháp xử lý tình hình.
“Với một người nghiên cứu, tôi cho rằng cái gì cản trở quá trình công nghiệp hóa phát triển xã hội hiện nay, đó là Việt Nam để giá đất lên cao bất thường so với mặt bằng kinh tế và thu nhập của người dân. Đó là vấn đề rất lớn, tôi kiến nghị có một cuộc giám sát về tất cả, từ khu dân cư, khu nhà ở, khu du lịch hiện nay mà nhiều lần tôi đã phát biểu, một quá trình chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, đây không chỉ là vấn đề kinh tế xã hội nữa mà còn là vấn đề chính trị”, đại biểu Lịch nói.
Đồng tình ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Lê Quốc Dung đề nghị, dự thảo luật này cần phải rà lại xem mục tiêu của dự án luật với nội hàm của luật và yêu cầu thực tiễn của nước ta hiện nay để chúng ta xác định phạm vi dự án luật này nó phù hợp hay không? Và sau khi ban hành nó sẽ tác động vào thực tiễn như thế nào, đánh giá tác động vào dự án luật như thế nào...
Cũng theo đại biểu Dung, nền kinh tế của Việt Nam nếu không hạ được giá đất xuống thì sẽ còn phải chi rất nhiều vốn trong cơ cấu đầu tư của Nhà nước trong các chi phí về đất và đặc biệt là điều tiết các thu nhập.
“Chúng tôi đề nghị nếu vì mục tiêu thu ngân sách thì chỉ cần sửa lại pháp lệnh. Nếu đánh thuế này để chúng ta chống đầu cơ, điều tiết thu nhập và hạ giá nhà đất thì chúng tôi đề nghị đối tượng là những người có một nhà, một đất, một chỗ ở là không đánh thuế thì chúng ta mới giải quyết được”, đại biểu Dung kiến nghị.
Chưa thống nhất việc có đưa nhà vào đối tượng chịu thuếhay không
Đại biểu Vũ Hồng Anh - TP Hà Nội đề nghị đưa nhà vào đối tượng chịu thuế. Theo lý giải của đại biểu này, mặc dù đối tượng chịu thuế nhà đất của Pháp lệnh thuế nhà đất bao gồm cả nhà ở, nhưng do tình hình kinh tế xã hội và thời điểm ban hành vào năm 1992 nên chưa thực hiện được.
Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường bất động sản về nhà ở, sự ra đời của Luật nhà ở năm 2005, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý để cho công dân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà để bán, cho thuê, cho mua, dẫn đến tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà cao gấp nhiều lần so với giá hiện thực làm méo mó thị trường. Vì vậy, cần phải có các công cụ để điều tiết thị trường nhà ở, để đưa giá nhà về giá trị thực, tạo cơ hội cho nhiều người lao động có nhà ở, mà một trong số các công cụ đó chính là thuế.
Theo đại biểu Hồng Anh, trong thời gian trước mắt, thu thuế nhà ở là không đủ bù chi nhưng lợi ích xã hội là rất lớn. Để đảm bảo cho luật này không ảnh hưởng tới những người đang sử dụng những nhà ở có giá trị không lớn, những người có thu nhập thấp và trung bình, thì cần xây dựng phương án để đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, ở những khu đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế. Còn đối với nhà ở đô thị loại 3 trở lên, nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung, cao cấp ở các đô thị lớn thì cần phải nộp thuế.
Đại biểu Lê Dũng - Tiền Giang – cũng tán thành chủ trương thu thuế nhà như dự thảo trước đây.
“Tôi nghĩ thực chất việc thu thuế nhà là thu thuế tài sản. Theo dự thảo, chỉ thu ở một số người có thu nhập cao để điều tiết cho xã hội là cần thiết và hợp lý”, đại biểu Dũng nói.
Trong khi đó, các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Hà Nội, Trịnh Thị Nga - Phú Yên, Nguyễn Đình Liêu - Ninh Thuận – lại ủng hộ việc chưa đưa vấn đề nhà ở vào diện chịu thuế. Các đại biểu này nhất trí cao với giải trình trong báo cáo của UBTV Quốc hội.
Nâng mức thuế suất cao hơn
Đại biểu Triệu Sỹ Lầu - Cao Bằng cho rằng, đối với đất lấn chiếm áp dụng mức thuế chung là 0,15% thì quá thấp.
“Tôi đề nghị bỏ vì nếu để thấp như thế càng khuyến khích sự lấn chiếm và không đẹp đô thị mà không an toàn cho giao thông, hoặc nếu để thì chúng tôi đề nghị đưa vào hợp lý hơn làm 2 mức: một là đối với nông thôn đề nghị để cho mức 0,15%, còn đối với thành phố, đô thị đặt biệt là thành phố lớn thì phải để mức 0,2% - 0,3%”, đại biểu Lầu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP. Hà Nội cho rằng, quy định diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế đang sử dụng như dự thảo luật có mặt được và chưa được. Mặt được đó là chúng ta có thể thu thêm một phần thuế với tỷ lệ cao hơn đối với diện tích đất lấn chiếm. Tuy nhiên, mặt chưa được là quy định như vậy sẽ dễ nảy sinh cơ chế xin, cho. Bởi việc xác định diện tích đất lấn chiếm này hoàn toàn do cán bộ và người dân có thể tự thỏa thuận. Mặt khác nó có thể làm cho người dân hiểu rằng việc đóng một mức thuế cao gấp 5 lần trong hạn mức sẽ giúp những đối tượng lấn chiếm duy trì tình trạng lấn chiếm một cách hợp pháp.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh cũng đề nghị tập trung đánh thuế vào những người giàu có dư giả đầu cơ, có nhiều diện tích vượt mức hạn điền, đất bỏ hoang, đất sử dụng sai mục đích và phải tập trung đánh cao hơn.
“Phần vượt không quá 3 lần hạn mức thuế suất tôi đề nghị lên là 0,1% thay 0,06%. Về diện tích vượt qua 3 lần hạn mức, thì tôi đề nghị thuế suất là 0,2% thay 0,1%, có nghĩa là chúng ta tập trung đánh vào những người đầu cơ dư giả giàu có, chúng ta không đánh vào những người mà mỗi người một nhà gắn liền với đất”, đại biểu Khá nói.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Lễ Chi - Quảng Ninh cho rằng, với mức thuế suất 0,06% hoặc 0,1% đối với người có đất sử dụng vượt hạn mức thì chưa đủ tầm điều tiết đối với hoạt động đầu cơ, nhất là đối với những đối tượng sử dụng nhiều đất ở những khu quy hoạch, khu mới quy hoạch, mới đầu tư, khu đô thị mới.
“Theo chúng tôi có lẽ quy định về mức thuế suất này cần phải tính thêm, phân loại các đối tượng sử dụng đất ở từng vùng khác nhau hoặc với những đối tượng vốn dĩ đã sử dụng diện tích đất ở ổn định, lâu đời, nhất là diện được hưởng chính sách của Luật đất đai quy định về diện tích đất ở gấp 5 lần hạn mức”, đại biểu Chi đề nghị.
Đại biểu Chi tán thành việc diện tích đất lấn và chiếm thì cần phải áp dụng một mức thuế suất cao hơn và những đối tượng sử dụng đất sai mục đích thì cần phải được áp một mức thuế suất khác để làm sao mức thuế suất đấy không gây hiểu lầm rằng xem như đây là một biện pháp xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Điều tiết vào đất hiệu quả có thể cao hơn
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã giải trình rõ thêm về một số vấn đề các đại biểu băn khoăn.
Về quan điểm không đánh thuế đối với nhà, Bộ trưởng Ninh cho rằng, thực chất, nhà bao giờ cũng nằm trên một vị trí đất nhất định và giá trị mà chúng ta gọi là nhà suy cho cùng là giá trị đất, nếu chúng ta tính trên giá trị sàn xây dựng.
Bộ trưởng lấy ví dụ một nhà xây ở gần hồ Hoàn Kiếm, diện tích như nhau, thiết kế như nhau với một nhà xây dựng ở ngoại ô Thành phố Hà Nội thì giá trị ngang nhau, nhưng cái nhà nằm ở vị trí Bờ Hồ với nhà ở ngoại ô khác nhau thực chất là ở giá trị đất.
“Nếu chúng ta tách bạch cái nhà ra thì giá trị nhà nó giống nhau và cũng có thể nói hình ảnh khác nữa để cho dễ hiểu là nhà xây ở Hà Nội thì so với nhà Lai Châu có khi nhà Lai Châu sẽ đắt hơn nhà ở Hà Nội vì nó còn công vận chuyển, nhưng mà giá trị nhà gắn với đất là nằm ở Hà Nội thì nó đắt hơn ở Lai Châu, nên suy ra chủ yếu vẫn là đất”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, việc điều tiết vào đất để sẽ đỡ phức tạp hơn và tính hiệu quả cũng có thể cao hơn.
Về thuế suất, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu cần luật có thể điều chỉnh thuế suất vượt hạn mức lên cao hơn thì cũng góp phần điều tiết. Bộ trưởng cũng nói thêm, việc điều tiết đầu cơ nhiều nhà, nhiều đất gồm rất nhiều chính sách thuế khác nữa, không phải chỉ có thuế suất trong luật này, còn có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.