(HNM) - Từ lâu, cộng đồng đã quen gọi các thôn có nhiều người đỗ đạt là làng khoa bảng. Ở huyện Chương Mỹ có 12 làng với 26 người đỗ đại khoa, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng, riêng thôn Chi Nê, xã Trung Hòa có 11 người được ghi danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thi đấu bóng chuyền tại làng Chi Nê. |
Cũng giống như bao làng quê khác, Chi Nê có vẻ bề ngoài rất đỗi thân thuộc, gắn bó với con người Việt Nam là cây đa, giếng nước, sân đình và cả những cánh đồng thẳng cánh cò bay… Cho đến giờ, chưa có tài liệu xác định chính xác làng Chi Nê có từ bao giờ. Theo lời kể của các cụ cao tuổi và tài liệu còn lưu giữ, từ xưa đến nay, tên làng này vẫn chưa một lần thay đổi. Cách chiết tự tên làng của các cụ cũng rất thú vị: Chi có nghĩa là loài cỏ thơm, còn Nê có nghĩa là bùn. Ý nghĩa chung của Chi Nê là cây cỏ mọc trên bùn nhưng mang đậm hương thơm tinh khiết cho đời.
Theo sử sách và sắc phong lưu giữ tại đình, làng Chi Nê tuy nhỏ nhưng có tầng dày về văn hóa, có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Dưới thời phong kiến, Chi Nê có 11 người đỗ đại khoa, tự hào và vinh quang nhất là 3 dòng họ Ngô, Nguyễn, Trần. Cụ Trần Khải được coi là người khai khoa cho làng Chi Nê khoa bảng. Cụ sinh năm 1441, thi đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông. Cụ làm quan đến chức Đại lý tự khanh, tước Lễ giáo hầu. Con của cụ là Trần Phỉ thi đỗ Thám hoa đời Uy Mục. Cuối triều Lê sơ, cụ Trần Phỉ làm quan đến chức Hữu thị lang, Thừa chính sứ xứ An Bang; triều nhà Mạc cụ được thăng làm Thượng thư Bộ Lại, Thiếu sư, tước Lại quận công. Cháu năm đời của cụ Trần Phỉ là Trần Phủ thi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1634) đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử…
Đình Chi Nê được xây dựng từ lâu đời với lối kiến trúc chạm khắc và đắp nổi công phu, nằm giữa làng, được xây dựng trên khu đất rộng, trông hướng Tây nam, phía trước là Sông Bùi, xung quanh là dân cư sinh sống. Đình thờ phụng 3 vị thành hoàng là Đệ nhất Đổng Vĩnh tôn thần đại vương, Đệ nhị Thiên la địa võng chi thần, Đệ tam Thần đô pháp. Các vị đều là người có quê hương, có bố, mẹ, có ngày sinh, ngày mất. Các vị được sinh trưởng trong gia đình có nền nếp, có hiếu với tổ tiên, sống chan hòa với xóm làng…
Trong đình làng Chi Nê hiện còn lưu giữ bia đá ghi danh 11 vị đỗ đại khoa. Ở làng còn có 3 nhà thờ của 3 dòng họ Nguyễn, Trần, Ngô được xây dựng để tưởng nhớ những vị tiên hiền, người của quê hương, thành đạt trong việc học hành thi cử và làm quan trong các triều đại phong kiến quốc gia. Ba nhà thờ họ đều được xây trên khu đất rộng trước cửa đình. Đây là nơi kính trọng phụng sự tổ tiên có công với dân với nước, làm vẻ vang rạng rỡ truyền thống hiếu học xưa kia.
Để nối tiếp truyền thống của tổ tiên, những năm qua, Chi Nê đã có nhiều biện pháp khuyến học, khuyến tài hữu hiệu, đặc biệt là phương pháp vinh danh và giáo dục trực quan thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu giữ được tại đình làng và các nhà thờ họ. Chính vì vậy, thời kỳ nào Chi Nê cũng phát huy được truyền thống hiếu học. Ví như dòng họ Ngô, chỉ tính từ năm 1978 đến nay đã có 36 người đỗ cử nhân, 2 thạc sĩ làm rạng danh cho gia đình và dòng tộc.
Trưởng thôn Chi Nê Nguyễn Văn Tuyển cho biết, hiện nay tất cả các dòng họ của làng đều thành lập chi hội khuyến học để động viên, khuyến khích con em phấn đấu học tập. Hằng năm, vào dịp Tết hoặc giỗ tổ họ, các chi hội khuyến học lại tổ chức gặp mặt, tuyên dương khen thưởng các cháu học sinh giỏi; đồng thời ôn lại truyền thống khoa bảng của quê hương. "Những món quà phát thưởng của hội khuyến học tuy ít giá trị về vật chất, nhưng về mặt tinh thần là vô cùng quý giá. Đây là động lực thôi thúc, động viên con cháu trong các tộc họ luôn phấn đấu để vươn lên học giỏi, rèn luyện đạo đức", ông Nguyễn Văn Tuyển khẳng định.
Cũng theo ông Tuyển, nhờ trọng chữ nghĩa, chuyên tâm phấn đấu học hành, nhiều người con Chi Nê ngày nay đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học luôn năm sau cao hơn năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.