(HNM) - Thành phố Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp. Rừng ở Hà Nội được ví là vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngành Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển rừng bền vững… Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên khẳng định: Lực lượng Kiểm lâm Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương quản lý, bảo vệ tốt “lá phổi xanh” của Thủ đô.
Bố trí lực lượng bảo vệ rừng ở 4 cấp
- Xin ông cho biết, trong 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm lâm Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật gì?
- Ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Từ đây, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam chính thức ra đời. Cùng với cả nước, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội được hình thành và không ngừng phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
50 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, năm 2018, Chi cục đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu UBND thành phố để Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo...
Chi cục cũng tập trung tập huấn bảo vệ rừng; diễn tập chữa cháy rừng cấp xã; phát hành tờ rơi tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cho người dân 7 huyện, thị xã có rừng… Ngoài ra, Chi cục đã bố trí lực lượng bảo vệ rừng ở 4 cấp, từ thành phố xuống tận thôn, bản có rừng. Trong đó, đến nay, Chi cục đã thành lập được 61 ban chỉ đạo, ban chỉ huy bảo vệ rừng các cấp và các xã thành lập được 117 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng... Về cơ sở vật chất, Chi cục đã xây dựng 21 chòi canh lửa rừng, 8 bể chứa nước chữa cháy rừng, 35km đường ô tô phục vụ chữa cháy; 20 máy bơm công suất lớn và hàng nghìn thiết bị chữa cháy khác.
Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển rừng cũng được ngành Kiểm lâm triển khai hiệu quả. Từ năm 2008 đến nay, Chi cục triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế được 180ha, trồng mới 1.000ha rừng, chăm sóc 3.535ha rừng, khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm… Ghi nhận kết quả đạt được, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Chính phủ tặng 2 Bằng khen, 2 Cờ thi đua; Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội tặng 156 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân...
- Mặc dù lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng có ở 4 cấp, song tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra, nhất là ở huyện Sóc Sơn. Vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng. Cụ thể, ở Hà Nội phần lớn là rừng trồng thuần loài, có độ che phủ cao, thảm thực vật dày, cây bụi rậm rạp dễ bắt lửa. Đặc biệt, có nhiều khu dân cư, di tích lịch sử, cơ sở sản xuất… nằm xen kẽ trong rừng, nên cháy rừng là khó tránh khỏi. Để hạn chế cháy rừng, vào mùa hanh khô, dịp lễ, Tết và cao điểm nắng nóng, Chi cục huy động 100% nhân lực ở cả 4 cấp tham gia ứng trực phòng, chống cháy rừng. Nhờ đó, có 6/7 huyện, thị xã nhiều năm qua không xảy ra cháy rừng; tình trạng phá rừng giảm đến 99%.
Riêng tại địa bàn Sóc Sơn, bình quân hằng năm còn xảy ra 8-10 vụ cháy rừng. Hiện nay, Chi cục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội một số biện pháp nghiệp vụ nhằm xác định rõ trách nhiệm của ngành và chính quyền địa phương để triển khai phương án ngăn chặn, xử lý.
- Theo ông, trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?
- Hiện tại, tôi thấy thách thức rõ nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm rừng nghèo kiệt, khô hạn; kinh tế - xã hội phát triển gia tăng sức ép lên diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội. Hơn nữa, hiện thành phố chưa giao đất gắn với giao rừng, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý trách nhiệm đối tượng phá rừng, xâm lấn đất rừng; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Mặt khác, thẩm quyền của lực lượng kiểm lâm có hạn nên khó khăn khi xử lý đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Nâng tỷ lệ che phủ rừng ở mức 5,67-6,2%
- Thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 5,67-6,2%. Để đạt mục tiêu này, ngành Kiểm lâm cần thực hiện giải pháp gì?
- Để đạt mục tiêu này, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng. Đồng thời, đề nghị các địa phương quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; từng bước phục hồi và nâng cao chất lượng rừng hiện có; tăng cường năng lực quản trị cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng trên hệ thống số hóa.
Hằng năm, Chi cục xây dựng kế hoạch và triển khai tới các địa phương trồng rừng tập trung bình quân 150ha/năm, chăm sóc rừng trồng 2.400ha/năm, khoanh nuôi tái sinh 200ha/năm, trồng 300.000 cây phân tán/năm… Khi trồng rừng, chúng tôi yêu cầu các địa phương và chủ rừng chọn, tạo giống cây theo tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng cây rừng. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị các địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu rừng có tiềm năng để tạo nguồn thu tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp…
- Vậy, để làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, ngành Kiểm lâm Hà Nội có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?
- Trước hết, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng thẩm quyền, tăng chế độ đãi ngộ và có chương trình tuyển dụng, đào tạo nâng cao cho lực lượng kiểm lâm. Thứ hai, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác kiểm tra, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác giao đất gắn với giao rừng để chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng và phòng, chống cháy rừng. Thứ ba, đề xuất UBND thành phố trang bị xe chuyên dụng phục vụ tuần tra bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm...
Với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã, đang tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ “lá phổi xanh”, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.