Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhận định, việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.
Sáng 20-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Báo cáo một số ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Ủy ban có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để bảo đảm tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định.
Việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu.
“Quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói.
Ngoài ra, nếu giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng bảo hiểm xã hội, nếu đóng bảo hiểm xã hội 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành. Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, điều này phù hợp tờ trình và hồ sơ dự án Luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết. Từ đó khuyến khích người lao động có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
"Cho dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ, nhưng với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách này", bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, mặc dù đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, song do còn ý kiến khác nhau, để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ một số nội dung: Cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này; thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, thì khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động, dư luận xã hội hiểu rõ và đồng thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.