Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cheo leo...chuyển vùng

HA OANH| 09/04/2008 11:13

Tình nguyện từ miền xuôi lên miền núi hay được tổ chức phân công công việc thì những thầy cô giáo trẻ vùng cao vẫn hằng mong ngày trở về. Nhưng xem ra, chuyện đó không đơn giản.

Dãy bằng khen trong căn phòng nhỏ của chị Loan. Ảnh: Bảo Anh

Tình nguyện từ miền xuôi lên miền núi hay được tổ chức phân công công việc thì những thầy cô giáo trẻ vùng cao vẫn hằng mong ngày trở về. Nhưng xem ra, chuyện đó không đơn giản.

Cheo leo vách núi

Phần đông giáo viên ở Lào Cai tốt nghiệp các trường CĐ của các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Hà Tây... 

Tốt nghiệp Trường CĐSP Yên Bái, năm 2000, chị Nguyễn Thị Thu Loan được điều động lên Trung Chải, Sapa.

Bức tường nhỏ bé trong căn phòng nội trú rộng khoảng 10m2 treo đầy bằng khen. Từ nă2004, khi tách Trường PTCS Trung Chải thành tiểu học và THCS, dù tuổi đời chưa đầy 30 nhưng chị đã được phân công về làm Hiệu trưởng Trường THCS Trung Chải.

Cũng mong có ngày trở về sau khi đã hoàn thành "nghĩa vụ" nhưng, tình cảm của HS nơi đây đã níu chân chị hết năm này qua năm khác. Chị Loan kể, một lần, cách đây khoảng 3-4 năm, khi gia đình điện thoại lên nói chị về Yên Bái giảng dạy. Không ngờ cuộc điện thoại đó đã bị nhóm HS biết được, chúng bảo chị nói dối vì bỏ chúng mà đi. Vậy là, sau cuộc điện thoại khẳng định với mẹ chị Loan là chị không về xuôi nữa, những HS này mới tiếp tục học.

Sau khi xây dựng gia đình, năm 2006, cuộc sống của chị Loan như thêm phần vất vả, quay quắt hơn. Hiện nay, vợ, chồng, con đang ở 3 nơi khác nhau. Chồng công tác ở miền xuôi, vợ miền núi Lào Cai còn con gửi về quê nội mãi tận Hà Nam từ khi 9 tháng (giờ cháu đã hơn 1 tuổi).

Chị Loan tâm sự: "Sống thế này, chồng không bỏ là may lắm rồi (!)". Hàng năm, chỉ có 2 dịp về thăm con là Tết và hè. Chị cho biết, hầu hết các anh chị em đều có cuộc sống xa gia đình như vậy. Những ai có gia đình thì xa chồng, xa con. Còn lại rất nhiều giáo viên trẻ chưa có chồng, vợ. Trường THCS Trung Chải có 17 giáo viên thì có 13 thầy cô ở bán trú.

Thời chống Mỹ cứu nước có một câu nói tôn vinh người phụ nữ Việt Nam là "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Hòa bình sau hơn 30 năm, câu này lại được chuyển sang người đàn ông có vợ dạy học ở vùng cao. Các chị ở đây cho hay, nếu không gửi con đi xa cho ông bà chăm giúp thì chồng phải vừa đi làm vừa chăm con. Cách nhà gần 30km nhưng phải cuối tuần vợ mới về được một lần.

Đời sống của giáo viên cũng gặp nhiều cơ cực khi việc đi lại mất nhiều thời gian và trên quãng đường gập ghềnh rừng núi. Thông thường, các giáo viên khi đầu tuần lên dạy đều đem theo thức ăn (thịt, cá), còn rau được trồng tại trường. Nhưng, từ thứ 4 trở đi, họ chủ yếu dùng đồ hộp.

Giáo viên nội trú Trường THCS Lử Thẩn, huyện Simacai phải đi 14-15km mới mua được thịt, cá. Vì thế, cuộc sống của họ cũng "chắt vắt" với rau, lạc, cá khô và đồ hộp. Chị Hoàng Thị Hảo, anh Nguyễn Văn Quyết, quê Vĩnh Phúc lên đây dạy âm nhạc và thể dục. Rồi họ thành vợ thành chồng.

Bước vào căn phòng cho đôi vợ chồng trẻ với 15 m2 lợp ngói ngay đầu khu nội trú của trường, tôi gặp một bà đang bế đứa trẻ 6 tháng tuổi. Bà nội của cháu đã theo 2 con lên đây từ sau Tết để trông giúp. Bà kể, lúc đầu con trai xin lên đây gia đình phản đối ghê lắm. Nhưng sau đó, nghĩ vì công việc, làm việc cho Nhà nước ở đâu cũng vậy nên cũng động viên con. "Tất nhiên, cuộc sống nơi đây không thể bằng dưới quê mình", bà ngậm ngùi.

Trong căn phòng nhỏ của Phạm Chí Công và Đồng Thị Hoài Phương (dạy Văn), tại khu nội trú của Trường THCS Cán Cấu, Simacai cái gì cũng mang tính "tạm bợ". Đều quê ở Phú Xuyên, Hà Tây, học và yêu nhau khi còn ở Trường CĐSP Hà Tây. Tốt nghiệp, Công xin lên Cán Cấu công tác. Hơn 1 năm sau, Phương lên Lùng Sui, cách đó 6km. Hai bạn trẻ xây dựng gia đình và đảo trường công tác khi Phương sinh con.

Lên non mong đợi ngày về

Hiện nay, lương thu nhập bình quân của các giáo viên trẻ khoảng 1,7 - 2,5 triệu/tháng. Một cặp vợ chồng là giáo viên sẽ có thu nhập khoảng 4 triệu/tháng. Tuy nhiên, theo anh Công, lương Nhà nước chỉ vừa đủ chi tiêu. So với miền xuôi có thể cao hơn, nhưng miền núi đi lại tốn kém, đồ dùng đắt đỏ và thiếu thốn hơn nhiều.

Vợ chồng chị Hảo, anh Quyết tâm sự, ai lên rồi cũng đều muốn về gần, nhưng khó lắm. Con còn nhỏ, chị Hảo cũng dự định, khi nào cháu hết bú mẹ sẽ gửi cháu về xuôi cho ông bà nội chăm.

Cách đây vài năm, khi sinh viên sư phạm ra trường, không xin được việc làm dưới xuôi đều tình nguyện lên miền núi công tác. Do đó, chỉ cần nộp đơn là xin được việc. Tuy nhiên, hiện nay đã đủ giáo viên nên sinh viên ra trường không biết về đâu, còn thừa rất nhiều, chị Phương cho biết.

Vì thế, khi lên miền núi công tác, vợ chồng anh chị Công - Phương xác định là sẽ không về nữa, sẽ kiếm đất để xây nhà. Một căn phòng cho gia đình nhỏ mất khoảng 40-50 triệu. Lương Nhà nước thì không thể tiết kiệm được nên dự định sẽ vay ngân hàng và tiết kiệm trả dần.

Anh Công cho biết thêm, 90% giáo viên lên đây đều vay tiền ngân hàng để mua xe máy. Với địa hình miền núi, sau 4-5 năm trả nợ xong thì "con xe" cũng đến hồi quá đát.

Ngoài những khó khăn về địa hình, về cuộc sống, những giáo viên và cả HS nơi đây còn gặp phải một trở ngại rất lớn là nước sinh hoạt. Cứ 2 ngày, anh Công lại phải lên núi dẫn nước về. Tuy đường nước đã được các dự án tài trợ để dẫn về gần, nhưng ý thức của nhiều người dân vẫn còn thấp nên đường ống đứt gãy luôn.

Mấy năm trước, giáo viên và HS Trường THCS Lử Thẩn phải đi khoảng 2-3 km lên đỉnh đồi mới gùi được nước về. Năm nay, đường nước đã về cách trường 800m, "thế là hạnh phúc lắm rồi", chị Hảo bùi ngùi.

Nhà nước hãy tạo điều kiện đầy đủ hơn về CSVC, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, anh Công mong mỏi. Mẹ anh Quyết cũng mong muốn, xây được nhà cho giáo viên ở chắc chắn.

Rắc rối "35"

Theo Nghị định 35 của Chính phủ năm 2001, thời hạn luân chuyển giáo viên lên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn này, nhà giáo sẽ có cơ hội được thuyên chuyển theo nguyện vọng. Tuy nhiên, chị Loan tâm sự, ở miền núi 8 năm rồi, nếu muốn về vùng thuận lợi cũng không đơn giản. Hàng năm, tỉnh cũng có chỉ tiêu cho giáo viên về xuôi nhưng phải ưu tiên cho những người nhiều năm hơn.

Xác định khi lên miền núi muốn thuyên chuyển cũng rất khó khăn nên nhiều cán bộ, giáo viên đã lấy vợ, chồng và định cư luôn tại đó, một cán bộ của Phòng GD Simacai cho biết. Năm 2000, khi thành lập huyện có 200 giáo viên, sau 8 năm, số này đã tăng lên 800 người. Thêm vào đó, những giáo viên trên này cho rằng, được chuyển từ xã vùng 3 về vùng 2, nhưng nhiều khi vùng 2 còn xa hơn cả vùng 3, do đó, cứ ở yên như vậy tốt hơn.

Cũng theo Nghị định này, mỗi giáo viên lên xã vùng 3 công tác trong 5 năm đầu sẽ được hỗ trợ thu hút bằng 70% lương theo ngạch, bậc. Nếu sau 5 năm, không thuyên chuyển được về xuôi thì cũng mất luôn nguồn hỗ trợ này. Như vậy, càng ở lâu trên vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên càng thiệt thòi.

Mặt khác, khi đang công tác tại xã vùng 3, nhưng sau đó xã thành vùng 2, dù chưa hưởng đủ 5 năm nhận lương thu hút thì những giáo viên ở đây cũng bị mất khoản này. Xã Cán Cấu, Simacai thoát khỏi xã vùng 3, nhưng, theo Hiệu trưởng Trần Thị Minh Tiến, thoát khỏi xã vùng 3, hết tiền thu hút nhưng thực ra vẫn còn rất khó khăn. Có những sinh viên ra trường năm 2004 - 2006 chưa hưởng đủ 5 năm nhưng chỉ được nhận khoản thu hút đến hết tháng 12/2008.

Để bổ sung cho những giáo viên lên trước thời điểm năm 1996 (được tính thêm 5 năm trước khi có Nghị định), năm 2006, Chính phủ đã có Nghị định 61 quy định hỗ trợ 5 năm cho giáo viên vùng 3 và sẽ được truy lĩnh. Tuy nhiên, từ khi xây một căn nhà mất 20 triệu và đến nay phải mất 40 triệu thì những giáo viên này vẫn chưa nhận được khoản phụ cấp thu hút này. Đồng thời, những giáo viên lên trước năm 2001 cũng đang chờ truy lĩnh. Trên thực tế, họ vẫn nhận được câu trả lời là "rồi sẽ có".

Cán bộ của Phòng GD huyện Sapa cho biết, do ngân sách chưa cân đối kịp thời, phòng đã tính tất cả các khoản truy lĩnh và phụ cấp theo Nghị định 61 và mất khoảng 12 tỷ đồng. Chỉ cần tỉnh rót đủ số tiền đó về sẽ giải quyết hết những đối tượng này.

Bên cạnh đó, theo quy định, khoản thu hút sẽ được tính căn cứ vào bậc, ngạch và mức lương cơ bản. Khi lương tăng, mức này cũng được tăng theo. Nhưng hiện nay, tại một số địa phương, giáo viên vẫn đang hưởng mức lương 290 nghìn hoặc 350 nghìn. Trao đổi với Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Lào Cai, Trưởng phòng Dương khẳng định, không thể có chuyện đó, "sẽ kiểm tra lại. Đã là chế độ chính sách thì không thể làm sai được hoặc nếu có thì do ngân sách chưa đối ứng kịp nên những trường hợp đó sau này sẽ được truy lĩnh".

Bảo Anh/VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cheo leo...chuyển vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.