(HNM) - Từ chênh lệch gần 5 triệu đồng/lượng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được rút ngắn về mức 2 đến 3 triệu đồng/lượng.
Mặc dù khoảng cách này vẫn lớn, song người dân có thể hy vọng chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường chỉ còn cách nhau 400 nghìn đồng/lượng trong thời gian tới, như đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng công bố…
Khách hàng mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trung Kiên |
Nếu ngày 9-1, trước khi quy định mới của NHNN về những điểm giao dịch được cấp phép kinh doanh vàng miếng có hiệu lực, giá vàng vẫn ở mức 46,33 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,4 triệu đồng/lượng (bán ra), thì ngày 10-1, giá vàng đã lùi xuống 45,83 triệu đồng/lượng (mua vào) - 45,95 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm gần 500 nghìn đồng/lượng. Những ngày tiếp theo đó, giá vàng không ngừng giảm, để mất ngưỡng 45 triệu đồng/lượng, giao dịch chỉ còn 44,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44,5 triệu đồng/lượng (bán ra) (thời điểm 11h ngày 14-1, trên thị trường Hà Nội). Như vậy, chỉ trong một tuần (ngày 7-1, giá vàng đạt 46,48 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,56 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng đã "bay hơi" khoảng 2 triệu đồng/lượng không phải do giá vàng thế giới điều chỉnh giảm mà do nhà đầu tư trong nước đã giảm kỳ vọng vào vàng, nên đẩy mạnh bán ra. Lại một lần nữa, bài học về sự tăng - giảm thất thường của giá vàng đã khiến không ít nhà đầu tư bị thua lỗ khi trót mua vàng lúc giá cao, bất chấp giá thế giới chỉ biến động trong biên độ hẹp.
Mặc dù đến ngày 16-1, trên thị trường Hà Nội, giá vàng hồi phục lên mức 45,17 triệu đồng/lượng (mua vào) - 45,3 triệu đồng/lượng (bán ra), đẩy giá vàng trong nước và thế giới xa thêm vài trăm nghìn đồng/lượng, lên khoảng 3 triệu đồng/lượng; song so với khoảng chênh 5 triệu đồng/lượng, đây vẫn là những kết quả khả quan. Lý giải nguyên nhân đảo chiều, tăng mạnh trở lại trong 2 ngày gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, khi giá vàng thế giới hồi phục mạnh, giá trong nước cũng tăng theo. Thêm vào đó, giá vàng trong nước có nhiều ngày giảm sâu, hấp dẫn giới đầu tư vàng, khiến họ đẩy mạnh mua vàng, khiến cầu tăng cao, góp phần đẩy giá vàng tăng trở lại nhưng không đột biến.
Vàng không còn "sốt" như trước đây do NHNN đã đưa ra những biện pháp mạnh trong quản lý thị trường này. Việc NHNN "siết" quản lý thị trường vàng miếng, chỉ cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho hơn 30 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, với khoảng 2.500 điểm giao dịch đã góp phần đưa thị trường vàng từ trạng thái bất ổn sang ổn định hơn. Như vậy, từ 8.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng trên cả nước, đến nay chỉ còn khoảng 2.500 điểm giao dịch được mua, bán loại vàng này. Thông thường, nếu thu gọn điểm giao dịch, với việc không cấp giấy phép cho hàng nghìn điểm kinh doanh, vàng sẽ trở nên khan hiếm, giá sẽ tăng, nhưng trái với dự báo, giá vàng lại giảm mạnh, mức giảm hàng triệu đồng/lượng chỉ trong vài ngày trước áp lực bán ra của giới đầu tư. Rõ ràng là những kỳ vọng về vàng trong con mắt nhà đầu tư đã thay đổi. Vàng không còn được coi là thứ tài sản bảo toàn duy nhất trong bối cảnh hiện nay. Trước đây, lo ngại trước những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, cũng như những kết quả không mấy lạc quan của nền kinh tế trong nước, cộng với thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán khó đầu tư, VND bị giảm… nên nhà đầu tư chỉ lựa chọn vàng là kênh đầu tư số 1. Nay, khi thị trường vàng bị "siết", thị trường chứng khoán đang ấm dần, kênh bất động sản bắt đầu có dấu hiệu "tan băng"… thì vàng không còn được ưu tiên, bởi lướt sóng với vàng khó thu lợi nhuận. Hơn nữa, trong thời điểm gửi vàng còn phải mất phí, việc "găm" vàng không phải là một lựa chọn hấp dẫn.
Lãnh đạo NHNN cũng nhận định, thị trường vàng đang dần ổn định, giá vàng trong nước sẽ giảm để tiệm cận với giá thế giới. Nguyên nhân được NHNN đưa ra là tâm lý găm giữ đầu cơ vàng đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động. Người dân yên tâm hơn khi bán vàng miếng. Thêm vào đó, trên mạng lưới mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua, bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn. Mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Mặc dù, chênh lệch về giá vàng giữa hai thị trường vẫn lớn, song NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng để giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. NHNN đang xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, gồm ba giai đoạn: xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng; chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng. Nhà nước sẽ huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cung ứng vốn cho nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.