Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chênh lệch giá vàng nội và ngoại: Chưa thể thu hẹp

Hương Thủy| 05/07/2013 17:51

(HNMO) - Mặc dù các ngân hàng thương mại đã tất toán xong trạng thái dư nợ huy động vàng được gần 1 tuần, nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao.

Chêch lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao. Ảnh minh họa


Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng nhằm can thiệp thị trường, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2,8 triệu đồng/lượng. Sau phiên đấu thầu đầu tiên, mức chênh lệch này nâng lên 3,1 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch trên càng gia tăng bởi người dân kỳ vọng lớn vào mặt hàng này nên tìm đến vàng nhiều hơn. Đặc biệt, vào khoảng trung tuần tháng 4, giá vàng thế giới giảm mạnh (xuống 1.321,95 USD/ounce) kéo giá trong nước lao dốc, sức cầu trong nước cao đã khiến chênh lệch giá lên mức kỷ lục là 7 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, lý do chênh lệch giá nới rộng được cho là ngoài nhu cầu tích lũy của người dân cao thì nhu cầu tất toán trạng thái vàng của ngân hàng thương mại nhằm bù đắp lượng vàng đang thiếu cũng rất lớn, cung-cầu chưa cân bằng. NHNN cho biết, sau khi các ngân hàng tất toán trạng trái dư nợ huy động vàng, chênh lệch giá sẽ về mức hợp lý.

Đến hôm nay, 40 phiên đấu thầu đã diễn ra với hơn 40 tấn vàng được  tung ra thị trường và các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái, trừ một số trường hợp có lý do riêng, chênh lệch giá chưa được thu hẹp, ở mức hơn 6 triệu đồng/lượng. Trên thực tế, vào ngày 1 và 2-7, sau thời hạn tất toán trạng thái vàng, giá kim loại quý trong nước liên tục diễn biến ngược chiều thế giới, tức giá thế giới tăng mạnh nhưng trong nước lại giảm giúp cho chênh lệch giá có thời điểm đã về mức 4,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, diễn biến này không duy trì được lâu.

Theo quy luật cung-cầu, khi nguồn cung tăng lên, nhu cầu giảm đi thì giá trong nước sẽ điều chỉnh giảm và chênh lệch giá theo đó giảm theo. Tuy nhiên, hiện sức cầu vàng trong nước đang cao. Tuần trước, giá giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 2 năm, có lúc chỉ còn 34 triệu đồng/lượng đã “hút” người dân ồ ạt đi mua. Và ở thời điểm này, nhu cầu về vàng của người dân vẫn lớn. Việc tích trữ vàng đã thành thói quen khó bỏ của người Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, ngoài mua vàng như tập tục, thói quen thì người dân mua vàng còn để như đầu tư dài hạn và phòng tránh khi kinh tế bất ổn. Thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất tiết kiệm thấp, USD lên giá, sản xuất của doanh nghiệp khó khăn thì vàng vẫn là kênh lựa chọn của nhiều người.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đang cần vàng để đóng nốt trạng thái bởi NHNN chỉ cho phép đóng chậm nhất 1 tuần so với thời hạn 30-6. Chính vì thế, 3 phiên đấu thầu vàng sau ngày 30-6 luôn hút khách, có tới 119.900 lượng vàng đấu thầu thành công trong tổng số 120.000 lượng chào thầu.

Một nguyên nhân nữa khiến giá vàng trong nước chưa thể sát giá thế giới là, hiện có 2 nguồn cung vàng là NHNN bán đấu thầu và người dân bán ra. Người dân bán ra rất ít nên nguồn cung chủ yếu chỉ là từ các phiên đấu thầu. Mà ở mỗi phiên, NHNN thường đưa ra giá sát giá thị trường trong khi giá thị trường lại cao hơn giá thế giới đến hàng triệu đồng mỗi lượng. Chính vì thế, dù NHNN cung vàng ra nhiều nhưng chênh lệch giá không thể thu hẹp.

Với công cụ điều hành trong tay, NHNN hoàn toàn có đủ khả năng để thu hẹp khoảng cách giữa 2 đầu giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu cao như hiện nay, giá vàng trong nước chưa thể sát với giá thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chênh lệch giá vàng nội và ngoại: Chưa thể thu hẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.