Theo nguồn tin từ phía Hàn Quốc thì các công tác chuẩn bị cho vụ phóng này đang được triển khai tại căn cứ Tongchang-ri ở miền Tây Bắc CHDCND Triều Tiên – nơi mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa bất thành hồi tháng 4/2012.
Ngày 5/12, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất việc lắp đặt 3 tầng tên lửa lên bệ phóng và hiện đang ở giai đoạn cuối cùng là bơm nhiên liệu vào trước khi có thể thực hiện vụ phóng tên lửa như đã công bố.
CHDCND Triều Tiên chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh hồi tháng 4/2012 (Ảnh: Reuters) |
Theo nguồn tin từ phía Hàn Quốc thì các công tác chuẩn bị cho vụ phóng này đang được triển khai tại căn cứ Tongchang-ri ở miền Tây Bắc CHDCND Triều Tiên – nơi mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa bất thành hồi tháng 4/2012.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho biết: “Nếu CHDCND Triều Tiên đang bắt đầu quá trình bơm nhiên liệu vào tên lửa thì sẽ xuất hiện các xe tiếp nhiên liệu xung quanh bệ phóng tên lửa… Nếu như chúng ta phát hiện ra sự xuất hiện của các xe tiếp nhiên liệu tại khu vực này thì điều đó cũng có nghĩa rằng công đoạn nạp nhiên liệu cho tên lửa đã được bắt đầu và một khi quá trình tiếp nhiên liệu hoàn tất thì vụ phóng có khả năng sẽ được thực hiện trong vòng 3 ngày tới”.
Những thông tin về việc CHDCND Triều Tiên đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng thế giới đang tích cực kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ hành động có nguy cơ sẽ làm leo thang tình hình căng thẳng tại khu vực Đông Á.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 4/12 khẳng định vụ phóng này của CHDCND Triều Tiên sẽ vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Qua đó, nhà lãnh đạo này yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch phóng các thiết bị được áp dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Sau khi tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 12 này, Đại sứ Ma-rốc tại Liên hợp quốc Mohammed Loulichki tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành các phiên tham vấn và có "những bước đi thích hợp" nếu CHDCND Triều Tiên thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh. Phát biểu với báo giới tại New York, Mỹ, Đại sứ Loulichki nhắc lại, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các nghị quyết và tuyên bố chủ tịch đi kèm các nghĩa vụ mà Triều Tiên phải tuân thủ. Trước đó, trong hai năm 2006 và 2009, cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc này đã thông qua các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng phát triển công nghệ hạt nhân và thực hiện các vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Vì vậy, Đại sứ Loulichki nhấn mạnh Hội đồng Bảo an sẽ buộc phải có những hành động thích hợp nếu Triều Tiên kiên quyết thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh quan trắc trái đất Kwangmyongsong – 3 trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 22/12 tới như đã thông báo.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng việc Bình Nhưỡng thực hiện kế hoạch này có thể gây tác động tiêu cực tới các nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mặc dù thừa nhận vấn đề tên lửa đạn đạo không thuộc thẩm quyền của IAEA, song ông Amano nhấn mạnh cơ quan này biết rằng việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ ở Triều Tiên đang tiến triển dựa trên phân tích hình ảnh từ vệ tinh.
Bình luận về thông tin cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân khác sau vụ phóng sắp tới, ông Amano kêu gọi sự kiềm chế của CHDCND Triều Tiên, đồng thời khẳng định “cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy CHDCND Triều Tiên đang lên kế hoạch cho một vụ thử hạt nhân”. Trong lời phát biểu ngày 4/12, ông Amano khẳng định, IAEA sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình đối thoại với CHDCND Triều Tiên. Người đứng đầu IAEA khẳng định, cơ quan này mong muốn sẽ được tái triển khai thanh sát viên tới CHDCND Triều Tiên trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, cho đến nay, các bên vẫn chưa thể thông qua một “thỏa thuận chính trị về vấn đề này”.
Trong khi đó, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ trong các phản ứng sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng vệ tinh.
Phát biểu sau cuộc họp ba bên ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington ngày 4/12, ông Shinsuke Sugiyama, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tuyên bố, ba nước tiếp tục duy trì các kênh liên lạc, nhất trí phối hợp các phản ứng và đã cùng cân nhắc các phản ứng cụ thể trong trường hợp Triều Tiên phóng vệ tinh. Ông cho biết, ba nước chia sẻ sự quan ngại sâu sắc về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên và nhất trí tiếp tục các nỗ lực ngoại giao "cho tới phút chót", hợp tác với Trung Quốc và Nga để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ ý định này.
Quan chức ngoại giao Nhật Bản này cũng cảnh báo nếu Triều Tiên phóng vệ tinh, cộng đồng quốc tế cần phải có các phản ứng mạnh mẽ dựa trên tuyên bố chủ tịch của Hội đồng Bảo an sau vụ phóng vệ tinh thất bại hồi tháng 4 vừa qua của nước này.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc, ngày 5/12 cảnh báo, họ sẽ triển khai một thiết bị radar cảnh báo tên lửa mới trình làng ngay sau khi hoàn tất công đoạn thử nghiệm thiết bị này. Nguồn tin trên cho biết, mục tiêu của kế hoạch trên là nhằm “bảo vệ lãnh thổ Hàn Quốc tốt hơn” trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Được biết, trong tháng 8 và tháng 11/2012, Hàn Quốc đã mua 2 thiết bị radar “Green Pine” do Israel sản xuất và hiện đang trong công đoạn kiểm tra cuối cùng.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng kêu gọi CHDCND Triều Tiên “xem xét lại” kế hoạch phóng tên lửa. Bên cạnh việc bày tỏ “sự đáng tiếc” trước việc CHDCND Triều Tiên công bố quyết định triển khai vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Bình Nhưỡng không nên bỏ qua bản nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cấm CHDCND Triều Tiên thực hiện các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Cơ quan ngoại giao Nga nêu rõ, Moscow thừa nhận quyền phát triển công nghệ vũ trụ nhằm phục vụ cho mục tiêu hòa bình của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, quyền lợi này phải được thực hiện dựa trên tinh thần của các quyết định từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Qua đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các đối tác còn lại tham gia vòng đàm phán sáu bên nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang là điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.