(HNM) - 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư ban hành không đúng thẩm quyền, hết hiệu lực là con số văn bản cần ban hành từ ngày 1-7 tới. Trong bối cảnh chạy đua với thời gian để hoàn thành tiến độ, vai trò của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở thẩm định và thẩm tra mà còn phải là đầu mối phối hợp với các bộ để giải quyết những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những quy định còn chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp.
Nguy cơ xuất hiện... “siêu nghị định”
“Làm ngày làm đêm với nỗ lực cao nhất”, “khối lượng công việc khổng lồ” là những phản ánh của các bộ, ngành trong quá trình rà soát, xây dựng các dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần làm việc này, tiến độ xây dựng các nghị định đã có sự bứt phá mạnh so với cách đây nửa tháng. Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 23-6, các bộ, ngành đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa (ngày 1-7-2016), Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành. Các quy định về điều kiện kinh doanh tại các thông tư cấp bộ được nâng lên cấp nghị định của Chính phủ cũng có hiệu lực, hơn 3 nghìn điều kiện kinh doanh trái luật sẽ bị loại bỏ. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc bảo đảm tiến độ ban hành các nghị định cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng văn bản đó như thế nào.
Do sức ép về tiến độ, nên hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; không đánh giá tổng kết thực tiễn và chưa nghiên cứu các vấn đề cần quy định. Việc một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định như Bộ NN&PTNT tích hợp 38 thông tư, Bộ GD&ĐT tích hợp 23 thông tư, Bộ Công thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư... gây nguy cơ xuất hiện những... “siêu nghị định”, được nâng cơ học từ thông tư lên.
Điều đáng quan tâm nữa, các nghị định hướng dẫn về điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sẽ áp dụng ngay, không còn hướng dẫn nữa. Vì vậy, phải làm sao để kiên quyết xóa cho được biểu hiện “gài” lợi ích nhóm vào trong chính sách? Nếu không rà soát kỹ, không xóa bỏ được triệt để những rào cản kinh doanh, sau này việc sửa đổi sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Trước các lo ngại này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, từ nay đến khi ký ban hành, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp.
Thẩm định 44 nghị định trong một tuần?
Yêu cầu đặt ra là vậy, song trên thực tế triển khai có đúng hay không là mối lo của nhiều doanh nghiệp. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị các cơ quan chức năng khi ban hành các quy định chi tiết, “thà bỏ sót còn hơn siết chặt” để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Quá trình "nâng cấp" từ thông tư sang nghị định cũng là quá trình rà soát lại các quy định không phù hợp, hoặc chưa thuận tiện cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý. Song điều dễ nhận thấy là đến nay, các bộ, ngành chưa thống kê những con số cụ thể nhằm trả lời cho câu hỏi đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm, đó là bao nhiêu thủ tục hành chính được bãi bỏ. Theo Luật Đầu tư, chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy, hiện có tới 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó 3.299 điều kiện được quy định tại các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền. Như vậy, còn bao nhiêu điều kiện kinh doanh sau khi 50 nghị định được ban hành cũng rất cần lời giải. Bởi vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, những quy định nào băn khoăn xem có nên quy định hay để thị trường tự điều chỉnh thì nên để tự doanh nghiệp hoặc người dân tự điều chỉnh.
Đặc biệt, có ý kiến phản ánh, Bộ Tư pháp thẩm định 44 nghị định trong vòng một tuần là quá nhanh và vội. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định, không có chuyện Bộ Tư pháp thẩm định trong vòng một tuần. "Trong chùm các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, đã có nhiều nghị định được Bộ Tư pháp thẩm định từ trước đó rất lâu như nghị định về kinh doanh casino, nghị định về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ... Việc thẩm định các nghị định cũng được thực hiện rải rác, tập trung trong thời gian cuối tháng 4 và tháng 5-2016" - ông Trần Tiến Dũng thông tin với phóng viên Báo Hànộimới.
Đối với Thông tư 20, Bộ Công thương ban hành ngày 12-5-2011 về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống, yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền chính hãng từ nhà nhập khẩu chỉ có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, Hànộimới phản ánh trong số báo ra ngày 17-6 (bài Cuộc chiến với "giấy phép con"), ông Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Công thương "nâng cấp" vào trong nghị định. Bộ Tư pháp đã chỉ ra và phản đối vì vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.
Quan điểm của Bộ Tư pháp là quá trình thẩm định rất cần có hội đồng tư vấn thẩm định với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện của hiệp hội doanh nghiệp và làm chặt chẽ theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp tư vấn thẩm định, VCCI không cử đại diện tham dự. Trường hợp có ý kiến bằng văn bản thì gửi muộn nên Bộ Tư pháp cũng không kịp tiếp thu đưa vào báo cáo thẩm định.
Thực tế trên cho thấy, trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, vai trò của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở thẩm định và thẩm tra mà còn phải là đầu mối phối hợp với các bộ để giải quyết những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những quy định còn chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp. Bởi nếu ban hành rồi không tổ chức triển khai được, vướng chỗ này, chồng chéo chỗ kia thì chỉ là "bình mới nhưng rượu vẫn cũ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.