(HNM) - Chiều 4-2, chị An đến Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) đón con như thường lệ, thấy con gái đang ngồi chờ mà lưng áo đẫm mồ hôi, tóc bết hai bên má, chiếc áo khoác buộc xộc xệch ngang thắt lưng. Vừa leo lên xe máy, cô bé vừa liến thoắng:
- Con vừa chạy đua mẹ ạ, mà là "chạy đua nước rút" như bố vẫn hay nói khi xem chương trình thể thao trên tivi ấy. Nếu không nhanh chân là hết chỗ ngồi trong phòng học tiếng Anh đấy. Bạn Bống bé nhất lớp, chạy sau cùng phải ngồi ghép với bạn Mít. Hai bạn tranh nhau cái head phone, buồn cười ơi là buồn cười...
Thấy con nhắc đến môn tiếng Anh, chị An thở dài. Chẳng là, gần đây, Trường Tiểu học Khương Thượng tổ chức dạy và học tiếng Anh trên máy vi tính. Học sinh phải đóng thêm 105.000 đồng/tháng (khối lớp 3 học chương trình Dyned) hoặc 50.000 đồng/tháng (khối lớp 1, 2 học chương trình Phonic) nhưng khi có tiết học, em nào đóng tiền thì được lên phòng máy tính học trên máy, em nào không đóng tiền thì ngồi dưới lớp học "chay".
Ban đầu, chị An không đăng ký cho con học tiếng Anh trên máy tính nhưng sau mấy buổi học về, con bé khóc lóc phụng phịu mãi nên chị đành phải đóng tiền cho con học. Tưởng đã êm xuôi, ai ngờ số học sinh đăng ký học nhiều hơn số máy tính hiện có. Thế là, mỗi khi đến tiết tiếng Anh, cháu nào cũng cố... vắt chân lên cổ chạy lên phòng máy để... "xí" chỗ (!).
Nghe con nói cười hồn nhiên mà chị An thấy buồn: Mỗi tiết học có 45 phút, thời gian chuyển đổi phòng học, ổn định trật tự, chờ khởi động máy tính đến hơn chục phút, giờ học còn lại chẳng đáng là bao. Chưa nói đến việc kiến thức giữa hai nhóm trẻ học trên máy tính và học "chay" có chênh nhau hay không nhưng về tâm hồn của trẻ ít nhiều sẽ có mặc cảm...
Thực tế, thi đua cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập là điều đáng khuyến khích, nhưng chỉ chạy theo thành tích đơn thuần mà tổ chức học tập không bảo đảm yêu cầu, chất lượng thì lại là điều mà các trường cần loại bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.