Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chạy đua” cùng mục tiêu mới

Nguyễn Mai| 02/03/2018 07:19

(HNM) - Sau 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, từ xuất phát điểm không xã nào đạt đủ 19 tiêu chí, đến nay toàn thành phố đã có 4 huyện và 294 xã đạt chuẩn nông thôn mới.


Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa, cây cảnh tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng). Ảnh: Trọng Tùng


Nâng chất lượng các tiêu chí

Yên Sở (huyện Hoài Đức) là một trong những xã thuộc tốp đầu đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội. Trở lại địa phương này sau 4 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nơi đây đã có nhiều đổi thay theo hướng đi lên. Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa cho biết, hằng năm xã đều rà soát, đánh giá lại các tiêu chí nông thôn mới, kết quả các tiêu chí vẫn được duy trì và phát triển bền vững, không bị tụt hậu. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 44 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của khu vực nông thôn toàn thành phố 6 triệu đồng. Các công trình hạ tầng được xây dựng giúp người dân địa phương thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh. Yên Sở cũng là một trong số các địa phương làm tốt công tác xây dựng làng văn hóa. Hiện xã đang lắp đặt biển chỉ dẫn tên đường và đánh số nhà...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, các xã được công nhận đạt chuẩn đã và đang quan tâm chỉ đạo thực hiện việc duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của địa phương mình theo bộ tiêu chí mới. Tại Đan Phượng, dù đã được công nhận là huyện nông thôn mới nhưng địa phương vẫn tiếp tục xây dựng đề án nâng cao chất lượng tiêu chí thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Song Phượng, Đan Phượng và Liên Trung.

Cùng với phát triển kinh tế, các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần cũng được nhiều địa phương khu vực ngoại thành rất quan tâm. Hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện đường có hoa, nhà có số, phố có tên như các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên; phát động phong trào thực hiện việc tang văn minh điển hình như các huyện Đan Phượng và Đông Anh...

Theo cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, tính đến hết năm 2017, số xã đạt thêm từng loại tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố vẫn tăng so với năm 2016. Cụ thể, tiêu chí giao thông, có 356 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 23 xã; tiêu chí thủy lợi có 377 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 43 xã; tiêu chí trường học có 318 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 14 xã...

Không chủ quan, lơ là

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đáp ứng các tiêu chí ngày một cao hơn: Vẫn 19 tiêu chí nhưng số chỉ tiêu tăng từ 39 lên 49 chỉ tiêu. Nếu các địa phương không quan tâm, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí thường xuyên sẽ bị tụt hậu. Dù được đánh giá cao nhưng Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa vẫn băn khoăn: "Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, địa phương vẫn tiếp tục đầu tư thêm một số công trình xây dựng cơ bản. Tuy vậy, do kinh phí hạn hẹp nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tiêu chí chợ”.

Tại huyện Đông Anh, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm sự tăng trưởng, phát triển bền vững. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Hoàng Mạnh Lâm nhấn mạnh, đối với các xã đạt chuẩn đã bổ sung thêm các tiêu chí mới, nhưng trước mắt tập trung rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã có. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh đã và đang tác động lớn đến sự phát triển của huyện. Nhiều tiêu chí nông thôn mới ở các xã trước đây chấm điểm đã đạt nhưng hiện nay đang gặp khó khăn. Ví như, tiêu chí trường học tại các xã Uy Nỗ, Việt Hùng, do dân số tăng nên số học sinh cũng tăng theo, trong khi trường, lớp lại không tăng đã gây áp lực lớn trong việc dạy và học. Trong khi đó, nếu xây dựng các trường học mới cần một nguồn đầu tư lớn và phải có lộ trình mới thực hiện được...

Trước những khó khăn của thực tiễn, ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội khẳng định, thành phố đề nghị các địa phương thường xuyên quan tâm, hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu; duy trì, nâng cao chất lượng những tiêu chí đã đạt trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch, đặt ra nhiệm vụ cụ thể để có kế hoạch thực hiện từng năm và cả giai đoạn. Các địa phương không được lơ là, chủ quan bởi Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ có giá trị trong 5 năm, sau đó thành phố sẽ rà soát, đánh giá, chấm điểm lại. Nếu không đạt đủ tiêu chí, danh hiệu nông thôn mới của địa phương đó sẽ rơi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chạy đua” cùng mục tiêu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.