(HNMO) - Sau hàng loạt căng thẳng trong những ngày qua, cuối cùng Liên minh châu Âu (EU) buộc phải chấp thuận yêu cầu của Đức – nền kinh tế lớn nhất của khối.
Theo đó, các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn sẽ được bán mới tại châu Âu sau thời điểm năm 2035, nếu chúng sử dụng các loại nhiên liệu tổng hợp (synthetic fuel/efuel) đáp ứng được yêu cầu trung hòa khí thải. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ chấm dứt những tranh cãi nhiều tuần qua, vốn đe dọa phá vỡ chính sách biến đổi khí hậu của EU về đạt trung hòa khí thải vào năm 2050.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Frans Timmermans – cũng là người đứng đầu chính sách khí hậu của EU - cho biết: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Đức về việc sử dụng nhiên liệu tổng hợp với ô tô trong tương lai, và sẽ sớm đưa ra các khung quy định về CO2 mới".
Về phần mình, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing cũng nhấn mạnh về một “lộ trình đã rõ ràng" khi mô tả về thoả thuận mới. Michael Bloss, một thành viên Đảng Xanh của Đức tại Nghị viện châu Âu (EP), thậm chí nhấn mạnh: “Ngành ô tô đã hết lòng ủng hộ ô tô điện, khiến cuộc tranh luận trước đây về vấn đề này trở nên vô lý và gây tổn hại đến uy tín của nước Đức. Bây giờ là thời gian bù đắp”.
Thay vì chiết xuất từ dầu thô như xăng/dầu hiện nay, nhiên liệu tổng hợp, như xăng/dầu tổng hợp, xăng sinh học (efuel), e-methane hoặc e-methanol, được tạo ra bằng cách tổng hợp khí CO2 và hydro (được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo hoặc không có CO2).
Dù nhiên liệu tổng hợp vẫn giải phóng CO2 vào khí quyển sau khi đốt cháy trong động cơ, nhưng nếu lượng khí thải này tương đương với lượng khí thải được trích xuất ra khỏi khí quyển để sản xuất nhiên liệu tổng hợp, đồng nghĩa chu trình tổng thể không phát sinh thêm khí thải CO2 ra môi trường.
Thực tế, suốt thời gian vừa qua, không chỉ “vấp” với Mỹ, mà EU và Đức - nền kinh tế lớn nhất của khối - cũng xảy ra mâu thuẫn với kế hoạch loại bỏ ô tô phát thải CO2 vào năm 2035. Trong đó, Đức muốn có sự đảm bảo rằng những chiếc xe động cơ đốt trong mới có thể được bán sau thời hạn nếu chúng chạy bằng nhiên liệu tổng hợp (efuel). Đây là cách tiếp cận “xanh” do nhiều thành viên trong ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh của Đức hậu thuẫn.
Tuy nhiên, động thái mới của EU ngay lập tức vấp phải phản ứng của các các nhà hoạt động môi trường, với lo ngại bước đi mới sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hướng tới việc sử dụng rộng rãi hơn các phương tiện điện và không phát thải khác.
Dù vậy, những ý kiến ủng hộ cho rằng, việc sử dụng nhiên liệu tổng hợp đem tới phương thức cắt giảm lượng khí thải CO2 của các phương tiện giao thông vận tải hiện tại mà không cần thay thế chúng bằng xe điện.
Hiện, hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đang đặt cược vào phương tiện chạy bằng pin như là giải pháp chủ đạo giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 từ ô tô chở khách. Tuy nhiên, một thực tế là nhà sản xuất và các công ty dầu mỏ đang ngày càng thiên về nhiên liệu tổng hợp, trong khi không ít các nhà sản xuất ô tô không muốn xe của họ bị ảnh hưởng bởi những cục pin nặng nề và nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, nhiên liệu tổng hợp còn có ưu thế lớn khi vẫn sử dụng bình thường trong các phương tiện với động cơ đốt trong hiện hành, đồng thời có thể được vận chuyển qua mạng lưới truyền dẫn nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) sẵn có.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng quan ngại, việc sản xuất nhiên liệu tổng hợp có thể sẽ rất tốn kém, và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền người dùng. Một số ước tính cho rằng, người tiêu dùng tại châu Âu sẽ phải chi tới 782 euro mỗi năm nếu ô tô của họ chỉ sử dụng nhiên liệu tổng hợp.
Một số quan điểm cũng cho rằng, có thể cân nhắc chỉ sử dụng nhiên liệu tổng hợp cho những lĩnh vực gặp nhiều thách thức trong đạt trung hòa carbon, ví dụ như vận tải hay hàng không – vốn không dễ để chuyển sang sử dụng các giải pháp điện-pin như ô tô dân dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.