(HNM) - Việc châu Âu đạt mục tiêu tích trữ khí đốt trước thời hạn bất chấp khó khăn được giới quan sát đánh giá cao do đã bảo đảm được an ninh năng lượng trước mắt. Đây là “vạch đích” được nhiều nước mong đợi, tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra hàng loạt rủi ro vẫn tiềm tàng phía trước, đòi hỏi Lục địa già phải có những giải pháp mang tính dài hạn.
Brussels đã lên kế hoạch chi tiết về việc tăng cường dự trữ khí đốt từ đầu năm nay, sau khi mức dự trữ vào mùa đông năm ngoái thấp hơn những năm trước. Kết quả là, dữ liệu kiểm kê do cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu ghi nhận, các kho dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) tới hết ngày 28-8 đã lấp đầy đến 79,94%, chắc chắn đạt mục tiêu trữ lượng trước thời hạn là 80% vào ngày 1-9.
Nhiều nước thành viên khối còn tích trữ vượt ngưỡng đặt ra, như Đức ngày 26-8 đạt 82,2%, vượt xa con số dự kiến 75% vào ngày 1-9. Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Robert Habeck thậm chí lạc quan, mốc mục tiêu đạt 85% vào tháng 10-2022 có thể đạt ngay vào đầu tháng 9. Trong khi đó, kho dự trữ khí đốt của Ba Lan đã được lấp đầy 100% vào ngày 27-8, kho dự trữ của Bồ Đào Nha cũng đã đầy...
Thành công lần này của EU được đánh giá cao, nhất là khi nguồn cung từ Nga bấp bênh đang đe dọa nghiêm trọng đời sống xã hội và hoạt động sản xuất. Tích trữ đủ năng lượng lúc này cũng góp phần hạ "cơn khát" năng lượng. Ngay khi thông tin “cán đích” được hé lộ, ngày 29-8, giá khí đốt châu Âu giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, trái ngược so với mức kỷ lục 3.500USD/1.000m3 vào ngày 26-8 - hệ quả sau gần một tháng leo thang kể từ khi Công ty Gazprom của Nga thông báo giảm nguồn cung qua đường ống Dòng chảy phương Bắc xuống mức 20% công suất.
Một số ý kiến cho rằng, việc đạt mục tiêu dự trữ sớm sẽ là nền tảng để EU duy trì sự tự tin trong thực thi lộ trình cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga. Theo mong muốn của Brussels, các dòng chảy khí đốt từ Mátxcơva sẽ được thay thế bằng năng lượng tái tạo với hiệu suất cao hơn. Hiện nay, EU đang tăng cường kết nối với Canada - nhà sản xuất nhiên liệu hydro “sạch” đầy tiềm năng, đồng thời tăng cường nhập khẩu khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp khác tại Địa Trung Hải, châu Phi, Trung Đông và Mỹ.
Tuy nhiên, triển vọng thực thi có thể không suôn sẻ, khi thế giới hiện không đủ năng lực để thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU. Theo Phó Chủ tịch điều hành của Công ty dầu mỏ Aramco (Saudi Arabia) Sadad Al-Husseini, châu Âu sẽ mất nhiều năm thay thế nguồn nhập khẩu từ xứ Bạch dương, trong bối cảnh các giàn khoan của Mỹ đang vận hành với công suất tối đa, còn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cạn nguồn cung dự phòng. Vì thế, việc đường ống Dòng chảy phương Bắc có nối lại vận hành sau bảo trì hay không vẫn là yếu tố chi phối. Sự bi quan này được phản ánh rõ nét trên thị trường năng lượng châu Âu, nơi các hợp đồng khí đốt tương lai vẫn giao dịch cao hơn gần 6 lần so với cùng thời điểm năm 2021.
Để phòng ngừa kịch bản xấu, EU đã đặt mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông tới, còn nhiều nước thành viên khối chủ động giải pháp ứng phó ngắn hạn. Đức đang khởi động lại các nhà máy điện than nhằm tiết kiệm khí đốt. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi doanh nghiệp cắt giảm sử dụng năng lượng hoặc có thể phải đối mặt với việc phân chia định mức khí đốt trong mùa đông nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Mặc dù việc đạt mục tiêu tích trữ là diễn biến khởi sắc, nhưng nhìn chung bức tranh cơ bản của thị trường khí đốt châu Âu vẫn ảm đạm. Trong bối cảnh đó, giờ là lúc các thành viên EU cần tích cực chạy đua với thời gian để tìm ra cách tiếp cận khả thi trước khi quá muộn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.