(HNM) - Trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2020, khi những thông tin về dịch Covid-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) dồn dập xuất hiện trên các trang báo toàn cầu với số ca nhiễm và tử vong tăng lên mỗi ngày thì tại châu Âu, số người nhiễm Covid-19 vẫn chưa đáng kể. Bệnh nhân đầu tiên tử vong do vi rút SARS-CoV-2 tại Cựu lục địa được xác định vào ngày 16-2 là một công dân Trung Quốc đang du lịch ở Pháp.
Ít ai ngờ rằng, chỉ sau 1 tháng, tổng số ca nhiễm tại Lục địa già đã lên đến con số đáng kinh ngạc: 37.000 người, trong đó có hơn 1.500 trường hợp tử vong. Không chỉ Italia, Anh, Pháp, mà Đức và Tây Ban Nha cũng đang chao đảo và bị cuốn vào “tâm chấn” của dịch bệnh.
Ngày 14-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định châu Âu hiện đã trở thành tâm dịch Covid-19 khi số ca nhiễm và tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 tại đây nhiều hơn tất cả những khu vực khác của thế giới cộng lại, trừ Trung Quốc đại lục. Tại Italia, số người nhiễm bệnh được báo cáo vào cuối ngày 14-3 đã lên đến 17.660 trường hợp, tăng 2.116 ca so với ngày 13-3. Số ca tử vong là 1.266 người, tăng 250 ca. Tại Tây Ban Nha, số bệnh nhân đã tăng thêm hơn 1.000 người lên 5.232 trường hợp, trong đó có 133 ca tử vong. Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ... cũng chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh với tốc độ chóng mặt.
Nhiều phân tích cho rằng, việc coi SARS-CoV-2 chỉ như vi rút gây cúm mùa thông thường khiến nhiều quốc gia châu Âu không đưa ra biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng như tập trung nguồn lực truy tìm từng ca bệnh cũng như những người tiếp xúc. Thực tế, cho tới nay, Italia vẫn chưa thể tìm ra “bệnh nhân số 0”, người mang mầm bệnh đầu tiên vào nước này. Hồi cuối tháng 2-2020, khi đất nước Hình chiếc ủng có hơn 200 ca nhiễm, 7 người chết và là ổ dịch lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Hàn Quốc, Pháp là nước duy nhất ở châu Âu áp dụng biện pháp cách ly người trở về từ miền Bắc Italia. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác chỉ khuyến cáo người dân đến từ vùng dịch nên tự cách ly ở nhà nếu có các triệu chứng giống cúm.
Tự do đi lại và giao thương vốn là sự ưu việt đáng tự hào của Liên minh châu Âu (EU) nhưng trong bối cảnh hiện nay lại bộc lộ những mặt trái. Biên giới Pháp - Đức ngày 12-3 mới bắt đầu có những biện pháp kiểm soát người qua lại trong khi đóng cửa biên giới vẫn là giải pháp đang được tính đến.
Trong khi đó, dù có sự liên thông và gắn kết chặt chẽ về kinh tế, thương mại nhưng EU lại không có sự chỉ đạo chung về y tế. Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực mà các quốc gia thành viên tự quản lý. Do đó, với hệ thống y tế khác nhau và mức độ lây lan không giống nhau, các quốc gia châu Âu lại có những kế hoạch không đồng bộ để đối phó dịch bệnh.
Bằng chứng là ngày 13-3, Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, chuyên gia Patrick Vallance, đưa ra một quyết định gây tranh cãi. Ông cho rằng nếu khoảng 60% dân số Anh nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì sẽ tạo được “miễn dịch cộng đồng”, từ đó kiểm soát ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay cùng những đợt bùng phát trong tương lai. Các chuyên gia y tế nhận định, nếu viễn cảnh này xảy ra, khoảng 400.000 người Anh sẽ thiệt mạng.
Thế nhưng, bà Maria Van Kerkhove, lãnh đạo đơn vị chuyên về bệnh mới nổi của WHO cho biết thế giới không thể dự báo được hướng phát triển của dịch bệnh và việc xác định khi nào đại dịch đạt đỉnh là điều bất khả thi. Do vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, điều quan trọng hiện nay là các quốc gia phải thực hiện cách tiếp cận toàn diện và đồng thời tất cả các biện pháp như kiểm tra, tìm kiếm, kiểm dịch, cách ly và không nên áp dụng từng biện pháp riêng lẻ. Các nước cần phải hành động nhiều hơn để phát hiện, bảo vệ và điều trị các trường hợp nhiễm bệnh. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phá vỡ chuỗi lây truyền của Covid-19 ở toàn cầu nói chung cũng như ở châu Âu nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.