(HNM) - Giữa lúc những tranh cãi trong quan hệ Mátxcơva - Washington về Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ tại Châu Âu chưa chấm dứt, Mỹ lại vừa tiết lộ một kế hoạch lá chắn tên lửa mới tương tự như NMD tại Châu Âu ở Châu Á và Trung Đông.
Tin mới nhất này vừa được trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chiến lược toàn cầu Madelyn Creedon đưa ra khiến Châu Á bỗng chốc "nóng" lên không kém sự kiện tên lửa tầm xa Unha-3 của Triều Tiên sẽ đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 của nước này lên quỹ đạo vào trung tuần tháng 4 tới.
Kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Á khiến Nga và Trung Quốc lo ngại. |
Theo kế hoạch mới, một hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự NMD đang dựng lên ở Châu Âu cũng sẽ được thiết lập ở Châu Á. Những lá chắn theo mô hình mới này sẽ không chỉ nhằm tăng khả năng đối phó hiệu quả với nguy cơ bị tấn công, mà chủ yếu giúp bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa có thể trong tương lai. Để đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các lá chắn tên lửa ở khu vực này, Mỹ đã và đang tiến hành song song hai cơ chế đối thoại ba bên gồm Mỹ - Nhật Bản - Australia và Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc.
Tham vọng triển khai lá chắn tên lửa của Lầu Năm Góc tại Châu Á được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang hoàn chỉnh NMD tại Châu Âu. Theo đó, khi hoàn thành NMD sẽ gồm các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Rumani, một hệ thống radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Aegis ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, kế hoạch gây nhiều tranh cãi này luôn vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Nga. Theo quan điểm của Mátxcơva, sau những lần được nâng cấp, NMD của Mỹ ở Châu Âu đến năm 2020 sẽ đủ mạnh để làm phương hại đến lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Không chấp nhận lập luận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng NMD chỉ để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa từ các nước như Iran, Triều Tiên, Nga đã không ít lần lên tiếng về triển khai các tên lửa chiến thuật để cân bằng với NMD Mỹ.
Dù mới chỉ là ý tưởng, nhưng sự "tiết lộ" về kế hoạch lá chắn tên lửa tại Châu Á của Mỹ sẽ khiến Nga và Trung Quốc không thể khoanh tay đứng nhìn. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Á là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi quan hệ giữa hai siêu cường gần đây đã ít nhiều biến động sau sự trở lại của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương thời gian vừa qua cũng như bất đồng Mỹ - Trung về tỷ giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, trong một phát biểu mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ kêu gọi các nước cần đối phó với các vấn đề chống tên lửa "một cách thận trọng" nhằm duy trì ổn định chiến lược trên toàn cầu và tăng cường lòng tin lẫn nhau cũng như đạt được sự ổn định an ninh quốc tế thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị.
Tuy mới được hé lộ nhưng kế hoạch lá chắn tên lửa Mỹ tại Châu Á không khiến dư luận quá ngạc nhiên. Ngay từ năm 2008 Mỹ đã cùng Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn) mà hiện hải quân Hàn Quốc đang sử dụng. Hải quân hoàng gia Australia cũng đã chọn hệ thống Aegis cho chương trình quân sự tàu khu trục phòng không. Cuối năm ngoái, Mỹ cũng đã bắt đầu thực hiện một loạt bước đi để thể hiện mong muốn "hiện diện hơn nữa" tại Châu Á - Thái Bình Dương với nhiều động thái quân sự. Nổi bật là chuyến thăm Australia năm ngoái của Tổng thống B. Obama khi chính thức thông báo kế hoạch triển khai hàng nghìn quân đến xứ Chuột túi trong vài năm tới. Cũng thời điểm đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton khi ở thăm Philippines cũng đã cam kết sẽ bảo vệ nước này trong một cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực cùng với tuyên bố sẽ triển khai một loạt tàu chiến đến Singapore, Thái Lan, Philippines...
Dự định lập lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Á cho thấy cuộc đua giành ảnh hưởng Mỹ trong khu vực địa - chiến lược này ngày một lớn. Đây sẽ là câu chuyện thời sự toàn cầu trong thời gian tới khi cả Nga và Trung Quốc đều đang tỏ ra lo ngại một hệ thống lá chắn tên lửa như vậy sẽ làm thay đổi cán cân an ninh trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.