(HNM) - Hàng trăm nghìn tấn rác thải sinh hoạt tồn lưu ở 43 bãi chôn lấp khiến chất lượng môi trường ở huyện Mỹ Đức bị ảnh hưởng. Chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực tìm lời giải cho
Chôn lấp rác không hợp vệ sinh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. |
Có mặt tại bãi rác ở thị trấn Đại Nghĩa, mới thấu hiểu sự bức xúc của người dân nơi đây. Chỉ đứng quan sát chừng 5 phút, đã không thể chịu nổi mùi hôi bốc lên, kèm theo đó là những đàn ruồi, muỗi. Tương tự tình trạng này là các bãi rác tại các xã An Phú, An Mỹ, Tuy Lai, Phúc Lâm… Rác ở đây gồm nhiều chủng loại, từ xác động vật đến các loại khó phân hủy và nguy hại như túi ni lông, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn: Trên địa bàn huyện mỗi ngày phát sinh khoảng 90 tấn rác thải sinh hoạt. Rác ở khu dân cư chưa được phân loại tại nguồn và đưa về chôn lấp tại 43 bãi ở 22 xã, thị trấn, cách xa khu dân cư... Do trước đây huyện Mỹ Đức chưa được thành phố phân luồng đưa về khu xử lý tập trung nên lượng rác tồn lưu lên tới hàng trăm nghìn tấn. Điều đáng lo ngại, trong số 43 bãi chôn lấp trên địa bàn Mỹ Đức thì chỉ 16 bãi có vải lót chống thấm, có hố thu nước rỉ rác...
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh ở huyện Mỹ Đức sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Bởi trong rác thải sinh hoạt và nước rỉ rác có chứa nhiều thành phần chất thải hữu cơ, chất thải rắn lơ lửng, amoniac và thành phần kim loại nặng. Nước rỉ rác khi gặp mưa thì nồng độ các chất ô nhiễm sẽ cao hơn nhiều lần. Trong khi đó, nguồn nước sinh hoạt duy nhất của huyện Mỹ Đức hiện nay là giếng khoan, nếu chôn lấp rác không hợp vệ sinh thì nguy cơ sử dụng nguồn nước ô nhiễm là không thể tránh khỏi, có thể dẫn tới gia tăng bệnh tật.
Lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, huyện Mỹ Đức đã nhiều lần đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phân luồng đưa rác đi xử lý tại các khu tập trung của thành phố. Tuy nhiên, do một số dự án đang thi công chưa hoàn thành, năng lực xử lý rác tại các khu tập trung của thành phố thấp hơn nhu cầu… nên đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường mới phân luồng xử lý cho huyện Mỹ Đức được 30 tấn rác. Trước thực trạng nhiều bãi chôn lấp của huyện, xã bị quá tải, khó mở rộng và sức ép về ô nhiễm môi trường, một số xã của huyện dự kiến đề xuất đầu tư xây dựng lò đốt công suất nhỏ. Tuy nhiên, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng: Việc đốt rác để giảm thể tích, diện tích chôn lấp là hướng xử lý tích cực. Nhưng, lựa chọn lò đốt theo công nghệ như thế nào, bảo đảm không phát sinh khí thải gây hại cho môi trường cần phải xem xét cẩn thận, nghiêm túc. Ông Hoàng Dương Tùng cho biết thêm: Bất cứ lò đốt nào cũng phát sinh nhược điểm nếu đưa loại rác không phù hợp vào đốt. Ví dụ, lò đốt cần ít nhiên liệu thì chất lượng nguồn rác đầu vào phải có tỷ lệ độ ẩm thấp; hoặc nếu lò đốt không có đầy đủ hệ thống xử lý khí đúng nguyên tắc thì thành phần rác đốt phải được phân loại trước khi đưa vào xử lý, bảo đảm loại rác này không chứa các loại chất nguy hại… Nếu để đốt được tất cả các loại rác thì đòi hỏi việc đầu tư, chế độ kỹ thuật bảo đảm không sinh ra dioxin, furam…, khí thải ra phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, các địa phương trên địa bàn đang sốt sắng trong xử lý rác thải sinh hoạt là hành động tích cực, thể hiện trách nhiệm đối với sức khỏe của nhân dân và môi trường. Nhưng huyện không có chủ trương đầu tư các lò đốt rác mini và cũng không chấp nhận phương án xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp cho dù hợp vệ sinh. Huyện đang tập trung thực hiện chủ trương của thành phố là triển khai quy hoạch xây dựng Nhà máy Xử lý rác tại xã Hợp Thanh bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng. Các ngành chức năng của huyện đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào triển khai dự án. Khi nhà máy này hoàn thành, toàn bộ rác thải sinh hoạt của huyện mới phát sinh hoặc tồn lưu sẽ được đưa về đây xử lý.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Vừa qua, huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải xử lý ngay về môi trường các bãi chôn lấp không bảo đảm vệ sinh; đồng thời, tổ chức quan trắc và đóng cửa các bãi ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, sản xuất, đánh giá hiệu quả để nhân rộng ra toàn địa bàn… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.