(HNM) - Năm 2015, ngành thi hành án dân sự (THADS) cơ bản hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác THADS vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Kết quả thi hành án (THA) chưa có sự bứt phá và tỷ lệ án chuyển sang kỳ sau vẫn cao.
Đây là những hạn chế toàn ngành cần khắc phục trong năm 2016 để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra: Quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho biết, năm 2015, Tổng cục THADS đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với 23 địa phương có lượng án lớn nhằm đề ra những giải pháp cụ thể nâng cao kết quả THA. Năm qua, toàn ngành đã giải quyết xong 533.985 việc, đạt 89,08%, vượt 1,08% so với chỉ tiêu Quốc hội giao (tăng 2.890 việc và tăng 0,61% về tỷ lệ so với năm 2014); số tiền giải quyết xong 42.819 tỷ đồng, đạt 76%. Về THA đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, đã giải quyết được 357.113 việc, thu được 1.734 tỷ đồng, đạt 89,29% về việc và 74,9% về tiền. Dù vậy, nhìn tổng thể, sự chuyển biến ở từng tỉnh, thành phố chưa bền vững. Điển hình là tỷ lệ án phải chuyển sang kỳ sau vẫn cao, án tồn đọng kéo dài vẫn nhiều.
Thi hành án dân sự tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. |
Tại Hà Nội - địa phương có số lượng việc phải THA lớn, trong đó có nhiều án kinh doanh thương mại phức tạp, Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố Nguyễn Quang Thái cho biết, để đẩy nhanh tiến độ THA, năm 2015, đơn vị đã tăng cường kiểm tra trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh điều kiện THA đối với 30 chi cục, kiểm tra việc tổ chức THA với những việc liên quan đến tín dụng ngân hàng với 8 chi cục. Qua đó, đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, tồn tại, có giải pháp chấn chỉnh ngay. Trong số án có điều kiện thi hành, toàn ngành THADS Hà Nội đã giải quyết xong 23.629 việc, đạt 91%, vượt chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm xử lý tài sản bảo đảm. Đối với yêu cầu xã hội hóa công tác THADS do UBND thành phố giao, việc triển khai chưa thực sự bài bản. Vẫn còn tình trạng một số chi cục chưa chuyển giao hết văn bản tống đạt cho lực lượng thừa phát lại (tổ chức tư đảm trách nhiệm vụ THA…) do tâm lý còn e ngại việc tống đạt, niêm yết của thừa phát lại không chặt chẽ...
Bất cập trên cũng thể hiện rõ ở nhiều địa phương khác. Cục trưởng Cục THADS tỉnh Gia Lai Võ Văn Tuấn thẳng thắn chỉ rõ: Không chỉ ở Gia Lai, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng không nắm vững các quy định của pháp luật về THADS nên trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết có sai phạm, tập trung ở các nội dung như vi phạm tống đạt giấy tờ THA, vi phạm trong kê biên định giá, vi phạm trong tổ chức bán đấu giá tài sản, không kịp thời giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua, nhiều trường hợp vi phạm về trình tự thủ tục THA. Cá biệt, có trường hợp còn có hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho các bên đương sự, thậm chí là vi phạm pháp luật mà Bộ Tư pháp đã xử lý kỷ luật 82 trường hợp.
Ngoài ra, ông Vũ Tiến Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi, chỉ đạo kiểm tra thi hành phần dân sự trong án hình sự (Tổng cục THADS) cho rằng, cơ chế chính sách trong lĩnh vực THADS cũng có những vướng mắc. Án tồn đọng lớn tập trung chủ yếu rơi vào phần dân sự trong bản án hình sự. "Người ta đang ở trại giam hoặc ra trại rồi nhưng đi đâu không rõ thì không thể thi hành được. Có vụ hình sự tòa tuyên số tiền phải thi hành hàng trăm, hàng nghìn tỷ... nhưng thực tế tài sản của đương sự không đủ để thi hành. Chưa kể, rất nhiều tài sản đưa ra bán đấu giá để bảo đảm THA hiện nay rất khó vì các quy định về bán đấu giá còn quá khắt khe. Một số vụ án khi điều tra xử lý ban đầu các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc kê biên các loại tài sản để bảo đảm THA" - ông Vũ Tiến Đức dẫn chứng.
Để đẩy nhanh tiến độ THADS, bảo đảm tính liên tục trong chỉ đạo, điều hành, Bộ Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương chủ động triển khai công tác năm 2016 và tạm giao chỉ tiêu cho các chi cục và chấp hành viên. Song, có điều băn khoăn là số vụ việc nhiều, nhưng biên chế THADS không được tăng. Cục trưởng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa Đặng Đình Quyền đề nghị, việc giao chỉ tiêu cần phù hợp hơn, hướng dẫn rõ về việc giảm án tồn; sớm tổ chức kỳ thi nâng ngạch chấp hành viên; có chế độ tương xứng đối với một số chức danh khác ngoài chấp hành viên... Tương tự, tại Cần Thơ, ngay từ đầu năm 2016, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm công tác THADS, nhưng Cục trưởng Nguyễn Văn Xuân đề nghị, công tác cán bộ phải đi trước một bước. "Tổng cục THADS cần quan tâm đến việc thi tuyển công chức, kinh phí đào tạo, thường xuyên tập huấn cho cán bộ THA, có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá tài sản..." - ông Nguyễn Văn Xuân nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.