Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng kiểm toán sẽ được nâng lên

Phong Thu| 16/06/2020 07:00

(HNM) - Ngày 15-6, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, việc cắt giảm các cuộc kiểm toán sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, đặc biệt sẽ đánh giá đúng, xác định đúng, kiến nghị đúng để bịt được “lỗ hổng” có khả năng gây ra thất thoát.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

- Chính phủ vừa trình Quốc hội việc cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong năm 2020, ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước giảm 35% số cuộc kiểm toán so với năm 2019. Vừa qua, khi dịch Covid-19 xảy ra, Kiểm toán Nhà nước cũng giảm đầu mối, không thực hiện đối chiếu thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc này dẫn đến nhiều nghi ngại sẽ có kẽ hở khiến các sai phạm không được kịp thời phát hiện. Tuy nhiên, thực tế sẽ không như vậy.

- Từ vụ sai phạm, tiêu cực nâng khống giá thiết bị y tế chống dịch Covid-19 thì càng cần phải tăng cường giám sát, nếu cắt giảm thời lượng kiểm toán thì chất lượng kiểm toán có đáp ứng được không, thưa ông?

- Chúng tôi phải chọn mẫu, chọn điểm trọng yếu để kiểm toán. Những vấn đề, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm thì vẫn phải kiểm toán. Giảm đầu mối không có nghĩa là giảm các cuộc kiểm toán, mà là giảm các đối tượng liên quan, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Còn với các vấn đề cốt lõi trong kiểm toán thì vẫn phải thực hiện, bảo đảm cho chất lượng kiểm toán nâng lên. Mục tiêu đặt ra là kiểm toán không chỉ giúp tăng thu cho ngân sách mà phải đánh giá một cách đúng đắn, xác định đúng, có kiến nghị đúng và đặc biệt là bịt được “lỗ hổng” có khả năng gây ra thất thoát; kiến nghị hoàn thiện chính sách, siết chặt kỷ luật, kỷ cương về mặt tài chính.

Tổng cộng có 40 chuẩn mực kiểm toán và chúng tôi căn cứ vào hệ thống chuẩn mực đó để xác định những “lỗ hổng” có khả năng gây thất thoát. Đồng thời sẽ có quy trình lựa chọn nội dung trọng yếu và rủi ro trong quá trình kiểm toán, từ đó xác định vấn đề cần đi sâu, tập trung kiểm tra.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn vì sao Kiểm toán Nhà nước đề xuất được tham gia kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)?

- Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước là phải kiểm toán các dự án PPP mà Nhà nước có chủ trương đầu tư và sản phẩm tạo ra được bàn giao cho Nhà nước. Có kiểm toán mới xác định được tính tuân thủ pháp luật và giá trị công trình mà nhà đầu tư hoàn thành. Đó cũng là cơ sở xác định việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, bảo đảm công khai minh bạch, để mọi người giám sát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng kiểm toán sẽ được nâng lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.